Phát biểu trước các phóng viên nước ngoài, người phát ngôn Ibrahim Kalin của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng: “Điều này thực sự vô lý. Nó chẳng khác gì những cáo buộc rằng Mỹ đã dàn dựng vụ 11/9 hay vụ tấn công ở thủ đô Paris và thành phố Nice đều là do chính phủ Pháp dàn dựng”.
Ngược lại, chính phủ dân sự Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen chính là nhân vật đứng sau “giật dây” vụ đảo chính nhằm lật đổ ông Erdogan.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cho biết đã gửi các hồ sơ tới Mỹ đề nghị Washington dẫn độ vị giáo sĩ 75 tuổi này về Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi muốn giới chức Mỹ hành động trong vấn đề này, chúng tôi muốn thấy sự hợp tác. Nếu họ kiên quyết giữ ông ta (giáo sĩ Gulen) ở lại với bất cứ lý do gì, thì nhiều người sẽ nghĩ rằng chính phủ Mỹ đang bao bọc cho ông ta”, ông Kalin nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ đứng sau vụ đảo chính ngày 15/7, ông Kalin cho biết: “Một trong các bộ trưởng của chúng tôi đã đưa ra bình luận như vậy giữa lúc tình hình nước sôi lửa bỏng khi lý trí bị cảm xúc lấn át, bạn phải hiểu rằng đây chỉ là yếu tố tâm lý”.
Trong một diễn biến liên quan khác, Nhà Trắng hôm qua cho biết, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Erdogan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra đề nghị hỗ trợ trong bối cảnh Ankara đang điều tra những người tham gia vụ đảo chính bất thành hồi cuối tuần trước. Ông Obama cũng hối thúc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong quá trình truy bắt những người có liên quan tới vụ đảo chính.
Đến nay, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hoặc đình chỉ công tác của hơn 50.000 người bị cáo buộc có liên quan đến âm mưu đảo chính. Nhiều chuyên gia cho rằng, đảo chính có thể chỉ là cái cớ để chính quyền của ông Erdogan “thanh lọc” quân đội nhằm củng cố quyền lực.