Xin ông cho biết ý nghĩa của cái gọi là sự kiện vịnh Bắc bộ trong bối cảnh tình hình biển đảo có nhiều diễn biến phức tạp khó lường hiện nay?
Sự kiện vịnh Bắc bộ có nhiều ý nghĩa quan trọng và trong bối cảnh hiện nay hết sức đáng lưu tâm, đáng nghiên cứu. Một là, sự kiện này đã nêu lên bài học về cảnh giác. Những gì diễn ra trên biển Đông thời gian qua cho thấy các thế lực thù địch luôn muốn dòm ngó, xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Không bao giờ họ từ bỏ dã tâm đó, vì vậy hơn lúc nào hết dân tộc ta hãy nhớ bài học cảnh giác. Vấn đề thứ hai, là một dân tộc nhỏ nhưng chúng ta có chính nghĩa, lịch sử đã chứng minh Việt Nam sẽ bảo vệ được chủ quyền Tổ quốc, nhất là trong điều kiện quốc tế và lực lượng của chúng ta hiện nay.
Vấn đề thứ ba, từ chính sự kiện vịnh Bắc bộ ngày 5/8/1964 cho chúng ta suy nghĩ về vấn đề phải xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận như thế nào để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong thời kỳ mới. Những gì chúng ta đã làm là tốt, nhưng tới đây chúng ta phải quan tâm xây dựng lực lượng, đến thế trận, cả lực lượng chính trị, lực lượng quân sự cả tiềm lực kinh tế, quốc phòng và những vấn đề khác. Thế trận là thế trận lòng dân, với sự thống nhất giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, rồi thế trận về quân sự. Một vấn đề nữa chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, quân sự, ngoại giao. Hồi đó chúng ta đã làm được điều này, đã tố cáo âm mưu của Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đồng thời can dự tiến sâu vào miền Nam và Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ. Trong thế giới hiện nay hoàn toàn cho phép chúng ta phát huy được nội lực, huy động được sự đồng tình của nhân loại tiến bộ.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo
Ông đánh giá thế nào về sự kiềm chế của Việt Nam trước sự khiêu khích, gây hấn ở trên biển Đông của Trung Quốc thời gian qua?
Tôi cho rằng gọi đây là sự kiềm chế của Việt Nam hoàn toàn chính xác. Chúng ta biết ý đồ của họ, nhưng thực tế chúng ta muốn giải quyết tất cả mọi vấn đề thông qua thương lượng, thông qua đàm phán hòa bình; dân tộc ta là dân tộc trọng hòa hiếu không muốn chiến tranh, chúng ta chỉ buộc phải cầm súng khi không còn con đường nào khác. Nhưng nhân nhượng không có nghĩa là đánh mất chủ quyền. Trong điều kiện hiện nay, phải giữ được hòa bình, bởi vì hòa bình không chỉ là quyền lợi của mỗi người dân Việt mà đó là nền tảng để chúng ta phát triển kinh tế, góp phần vào sự nghiệp chung của khu vực và thế giới. Hiểu được điều đó là hết sức quý báu.
Theo ông, bài học rút ra từ sự kiện vịnh Bắc bộ cụ thể là gì nếu như có thế lực vẫn cố tình tạo cớ trên biển Đông?
Tình hình hiện nay rất khó lường, nhưng với tinh thần đề cao cảnh giác, chúng ta phải nắm được ý đồ mang tính chiến lược của các thế lực ngoại bang và phải dự báo đúng tình hình, phải sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất ngờ như kiểu sự kiện vịnh Bắc bộ. Có cái chúng ta dự kiến được nhưng có những cái ngoài dự kiến, song về cơ bản chúng ta vẫn đối phó được nếu đề cao cảnh giác theo sát tình hình và có sự chuẩn bị. Những sự kiện có thể diễn ra tương tự sự kiện Vịnh Bắc Bộ ở trên biển, trên không hay có thể trên bộ. Một khi người ta muốn tạo cớ thì điều đó tùy thuộc vào dã tâm của họ vì vậy chúng ta phải đề cao cảnh giác và luôn sẵn sàng.
Xét về nghệ thuật quân sự thì sự kiện vịnh Bắc Bộ có đóng góp gì, thưa ông?
Về mặt quân sự, sự kiện này là chiến thắng trận đầu của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam và gợi cho chúng ta rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu. Quân sự nhưng lại liên quan chặt chẽ đến chính trị, quân sự phục tùng chính trị. Trước âm mưu thủ đoạn mang tính chiến lược chúng ta phải dự báo đúng những hành động mang tính chiến dịch, chiến thuật của đối phương. Chính nhờ dự báo đúng mà trong sự kiện vịnh Bắc bộ, chúng ta có biện pháp đối phó đúng. Một vấn đề nữa đang nóng hổi hiện nay, đó là trang bị cho quân đội như thế nào?
Xin cảm ơn ông.
Sự kiện vịnh Bắc bộ là sự kiện hai cuộc chiến đấu của Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại hai tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Mỹ. Hai cuộc tấn công đã xảy ra vào các ngày 2 tháng 8 và 4 tháng 8 năm 1964 ở vịnh Bắc Bộ. Cuộc tấn công đầu được cả 2 bên xác nhận, nhưng cuộc tấn công sau đã được khẳng định chỉ là sự nhầm lẫn của Hoa Kỳ, nhưng lại trở thành cái cớ để Hoa Kỳ mở màn chiến dịch dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam.