Thi tuyển lãnh đạo: Không có chuyện 'chạy'

Ông Nguyễn Văn Đọc - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết vừa ký quyết định bổ nhiệm hai thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp sở.

Thi tuyển lãnh đạo: Không có chuyện 'chạy'

> Chân dung hai nữ cán bộ trúng tuyển lãnh đạo sở

Ông Nguyễn Văn Đọc - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết vừa ký quyết định bổ nhiệm hai thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp sở.

Bà Phạm Hồng Lan (trái) và bà Phạm Thùy Dương.
 

Đó là bà Phạm Hồng Lan (45 tuổi, nguyên trưởng phòng khoa giáo, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy) giữ chức phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, bà Phạm Thùy Dương (37 tuổi, nguyên giám đốc trung tâm bảo tồn công viên Vạn Cảnh, ban quản lý vịnh Hạ Long) - giữ chức trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long. Theo ông Đọc, hôm nay (16-1), UBND tỉnh công bố, trao các quyết định này cho bà Lan, bà Dương. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên lựa chọn lãnh đạo cấp sở thông qua thi tuyển.

Không có chuyện “chạy” thi tuyển

Trước cuộc thi, dư luận cũng đặt ra vấn đề nảy sinh tiêu cực, “chạy chọt” để được thi tuyển và trúng tuyển. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Hoàng - phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - khẳng định: “Đợt thi tuyển lãnh đạo cấp sở đã diễn ra công khai, minh bạch và đúng quy định. Hội đồng “tuyển sinh” gồm các đồng chí trong ban thường vụ tỉnh ủy trực tiếp ra đề và chấm thi. Tiêu chuẩn của thí sinh tham dự cũng được đăng tải công khai trên báo, đài truyền hình tỉnh. Thí sinh nào đủ tiêu chuẩn mới được dự thi và thí sinh trúng tuyển là thí sinh đạt được điểm cao nhất”.

Theo bà Hoàng, từ đầu tháng 11-2012, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thông báo công khai về chủ trương, nội dung đợt thi tuyển và tiêu chuẩn dự thi. Các ứng viên là những người trong diện quy hoạch phó giám đốc sở, người đương chức hoặc được quy hoạch chức danh phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, trưởng, phó phòng ban ngành, lãnh đạo quản lý doanh nghiệp, cán bộ cấp phòng (thuộc sở)...

Ban tổ chức nhận được hồ sơ của 13 ứng viên. Sau đó có hai thí sinh xin rút, còn lại 5 ứng viên thi tuyển chức danh trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long và 6 ứng viên thi tuyển chức danh phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông.

Sau khi chốt danh sách ứng viên dự tuyển, ban tổ chức giao đề tài cho các thí sinh. Theo đó, các thí sinh dự tuyển chức danh trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long sẽ cùng làm chung đề tài nghiên cứu “Bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị, tiềm năng, lợi thế của di sản vịnh Hạ Long”. Các thí sinh dự tuyển chức danh phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông làm đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí, xuất bản”.

Mỗi ứng viên có thời gian hơn một tháng để hoàn thành đề tài nghiên cứu nộp dự thi.

“Trong số ứng viên có cán bộ rất trẻ, chỉ mới 30 tuổi nhưng rất tự tin. Cuộc thi cũng là cơ hội để tỉnh ủy lựa chọn những cán bộ trẻ có trình độ để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực” - bà Hoàng nói.

Ngày 12 và 13-1, các ứng viên chính thức dự thi với hai phần thuyết trình đề tài và trả lời vấn đáp theo thang điểm 100. Sau đó các ứng viên phải trả lời khoảng mười câu hỏi vấn đáp do Ban thường vụ Tỉnh ủy đặt ra.

Ngay sau khi cuộc thi kết thúc, cuối ngày 13-1 Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức họp báo công khai kết quả và bà Dương trúng tuyển với số điểm 82, bà Lan trúng tuyển với số điểm 80,6.

Sẽ quy định thi tuyển các chức danh bổ nhiệm

Bà Hoàng cho biết thêm từ kinh nghiệm rút ra trong đợt thi tuyển lãnh đạo cấp sở lần đầu tiên, thời gian tới Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh sẽ ban hành quy đinh thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

“Dự định trong năm 2013, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chọn một số vị trí lãnh đạo sở còn khuyết để tổ chức thi tuyển. Kể cả những vị trí đang yếu mà cần phải thay thì cũng tổ chức thi tuyển, tiến tới sẽ tổ chức thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo, cán bộ quản lý bổ nhiệm” - bà Hoàng nói.

Theo bà Hoàng, kết quả hoạt động của các lãnh đạo được bổ nhiệm thông qua thi tuyển sẽ được tổng kết đánh giá sau hai năm đương nhiệm.

“Ban thường vụ sẽ đánh giá kết quả thực hiện nhóm giải pháp, chương trình hành động mà các ứng viên trúng tuyển đã đưa ra trong quá trình dự thi. Nếu vị lãnh đạo trúng tuyển nào mà không thực hiện được thì ban thường vụ sẽ đưa ra xem xét lại việc bổ nhiệm” - bà Hoàng nhấn mạnh.

Bà Phạm Hồng Lan (tân phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Quảng Ninh): Hoàn thiện mạng lưới thông tin biên giới, huyện đảo

Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông, xây dựng mạng lưới thông tin khu vực biên giới và các huyện đảo trong tỉnh.

Tôi sẽ tham mưu, xây dựng đề án cụ thể về việc đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất các đài truyền hình, truyền thanh cấp huyện, xã; hỗ trợ xuất bản phẩm cho khu vực biên giới, huyện đảo; đề xuất mở lớp đào tạo đại học báo chí tại tỉnh để lấp lỗ hổng thiếu nguồn nhân lực công tác thông tin tuyên truyền ở vùng sâu vùng xa.

Bà Phạm Thùy Dương (tân trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long): Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di sản

Việc đầu tiên và lâu dài trên cương vị trưởng ban, tôi sẽ cho xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đến năm 2020.

Dựa vào quy hoạch tổng thể này, các doanh nghiệp sẽ biết được khu vực nào được khai thác cái gì và khu vực nào cần bảo tồn. Từ đó có thể thu hút dự án đầu tư phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ và vẻ đẹp thiên nhiên của vịnh.

Đặc biệt, ban quản lý vịnh sẽ nói không với tất cả hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ của di sản vịnh Hạ Long.

Theo Thân Hoàng
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại