Thí điểm phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm

TP - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an Hà Nội vừa cho biết, trong 1 đến 2 tháng nữa sẽ thí điểm tổ chức phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân.

Hai tháng tới:

Thí điểm phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm

> Hà Nội sẽ có thêm phố đi bộ

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh- Giám đốc Công an Hà Nội khẳng định, thành phố đang nghiên cứu, tổ chức lại giao thông khu vực phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm.

Ông Nhanh cho rằng, việc bảo vệ cảnh quan, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng nên những tuyến phố đi bộ tại khu vực này đã được đặt ra từ lâu và cần thiết phải làm. Nếu tổ chức thành công tuyến phố đi bộ tại khu vực 36 phố phường sẽ tạo nên hình ảnh mới cho báu vật của Hà Nội là phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, không thể tiếp tục để tình trạng lộn xộn tại khu vực này.

Trước mắt, theo ông Nhanh, trong 1-2 tháng tới sẽ tổ chức thí điểm phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và từ phố Hàng Đào, Hàng Ngang đến Đồng Xuân vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ.

“Ở nhiều nước trên thế giới, những khu vực phố cổ, danh lam thắng cảnh thì đều phải tổ chức phố đi bộ, khoảng cách 500 m đến 1 km là bình thường. Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức phố đi bộ thành công quanh hồ Hoàn Kiếm”-ông Nhanh cho hay.

Có nhiều ý kiến đặt ra về tính khả thi của chủ trương này. Ông Nguyễn Đức Nhanh cho biết, cùng với việc tổ chức tuyến phố đi bộ, Hà Nội sẽ khảo sát và xây dựng hệ thống bãi đỗ, điểm đỗ xe phục vụ nhu cầu của người dân đang sống tại đây và du khách khi vào khu vực này. Tổ chức giao thông khu vực phố cổ là việc rất khó.

Nhiều bài toán khó đang đặt ra cho cơ quan chức năng như ôtô, xe máy của người dân tại đây sẽ gửi tại đâu? Các tuyến xe buýt và điểm đỗ xe tắc - xi xung quanh phố cổ phải tổ chức hợp lý và thuận tiện. Cán bộ đến công sở quanh hồ Hoàn Kiếm cũng đều phải gửi xe hoặc đi vào cổng sau của cơ quan.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, việc tổ chức tuyến phố đi bộ là việc khó nên cần làm thận trọng. Sở GTVT đang khảo sát, lấy ý kiến người dân, điều tra xã hội học như số người đang sống trong khu vực phố cổ, có bao nhiêu xe máy, ôtô, đang làm nghề gì, nhu cầu đi lại ra sao... từ đó sẽ đưa ra phương án hợp lý.

Ngoài ra, những nhu cầu khác như khám chữa bệnh, đi lại cho người già, nhu cầu cấp cứu y tế... cũng được đặt ra.

Theo Báo giấy