Chúng tôi cũng suy nghĩ lắm
Ông Thọ cho biết, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ, điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng thích nghi. Do vậy, sau hai năm Uber, Grab vào Việt Nam, từ tháng 1/2016, Bộ GTVT đã phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ trong quản lý, kết nối vận tải (Đề án 24) để triển khai thí điểm tại 5 đô thị lớn.
Với những bất cập trong triển khai, hoạt động của xe công nghệ được báo Tiền Phong đề cập trong loạt bài, ông Thọ cho rằng, ở các nước lập nên ứng dụng trên, họ đã đi trước Việt Nam rất nhiều về công nghệ. Khi du nhập vào Việt Nam có gây luống cuống cho cơ quan chức năng trong việc triển khai, quản lý. “Luống cuống ở đây không phải là mình kém cỏi gì, mà là hành lang pháp lý ở ta chưa tiếp cận kịp. Để khắc phục, cần có thời gian để điều chỉnh, bổ sung”, ông Thọ nêu thực tế.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, sự việc trên cũng làm lãnh đạo Bộ suy nghĩ nhiều lắm. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ nêu rất rõ, ở nước ta đang có 5 loại hình vận tải, gồm: Xe khách, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch. Nghị định kiểu gì cũng phải theo Luật, Luật có đề cập đến loại hình vận tải taxi nhưng chưa có xe công nghệ, giờ mới có loại hình này nên không tránh được sự bỡ ngỡ, đắn đo khi áp dụng.
Thanh tra Bộ GTVT vào cuộc
Theo quy định, để hoạt động theo hình thức taxi, đơn vị vận tải phải thành lập doanh nghiệp (DN), đăng ký kinh doanh và hoạt động đúng lĩnh vực được cấp phép. Cụ thể, khi hoạt động trên đường, taxi phải có tem, mào; thiết bị thanh toán cước phí, giám sát - định vị… Tuy nhiên, khi Grab, Uber vào Việt Nam, với việc bỏ qua được nhiều công đoạn quản trị, dẫn đến chi phí hoạt động giảm. Nhờ lợi thế này, người tiêu dùng được hưởng là giá thành rẻ, cùng với đó là dịch vụ văn minh, chuyên nghiệp… Các yếu tố này bước đầu, Grab, Uber đã lấy được thiện cảm của hành khách. Vấn đề còn lại là cơ quan quản lý, giám sát làm sao để xe công nghệ phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, hoạt động có hiệu quả theo điều kiện Việt Nam.
Đề cập hình thức hoạt động theo xe hợp đồng, ông Thọ cho rằng, theo quy định khi chạy trên đường phương tiện phải đeo phù hiệu ở cửa kính phía trước, dán logo ở hai bên thành xe… Điều này để phân biệt giữa xe kinh doanh và các loại hình xe khác.
Tuy nhiên, nhiều xe Grab, Uber hoạt động được phóng viên báo ghi nhận không trang bị những nội dung trên, đây là hành vi sai, gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải. “Từ thực tế này, chúng tôi đang nghiên cứu, cuối năm nay sẽ sơ kết đánh giá, cùng với đó sẽ phân tích ưu, khuyết điểm sau hai năm thí điểm. Từ đó sẽ đưa ra phương án, hình thức (theo taxi hay hợp đồng) với xe ứng dụng công nghệ. Khi đó tình trạng nhập nhèm trên sẽ được giải quyết dứt điểm”, ông Thọ khẳng định.
Với tình trạng xe Grab, Uber gia tăng không kiểm soát, hoạt động gây thất thu thuế, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, theo Đề án 24, xe hoạt động phải có logo, tem nhãn và phù hiệu xe hợp đồng. Nếu xe nào không có là phải xử lý vi phạm. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Thanh tra kiểm tra, xử lý ngay nội dung này. Phát hiện xe vi phạm Bộ sẽ cho thanh tra ngay đơn vị chủ quản. Với thông tin trốn thuế, gia tăng phương tiện, Thanh tra cũng vào cuộc ngay, “Chỉ cần thanh, kiểm tra vài vụ ở những địa phương Grab, Uber đang thí điểm là ra ngay thôi”, ông Thọ khẳng định. Cùng với đó, ông cũng đề nghị phóng viên phối hợp, cung cấp các thông tin, thậm chí là trường hợp các xe vi phạm phóng viên đã ghi nhận được để Thanh tra bộ xác minh, xử lý. Ông cho rằng: “Thông tin phóng viên phản ánh là từ thực tế, giúp cơ quan chức năng sát sao hơn…”.
Sơ kết thí điểm, báo cáo Thủ tướng những gì?
Sau 15 tháng thực hiện Đề án 24, Bộ GTVT vừa sơ kết và có văn bản báo cáo kết quả triển khai với Thủ tướng chính phủ. Văn bản cho biết, tính đến cuối tháng 5/2017, Đề án 24 đã được triển khai tại 3/5 tỉnh thành phố, gồm: Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa. Có 6 đơn vị cung cấp phần mềm chính thức tham gia thí điểm, ba nhà cung cấp phần mềm mới được Bộ GTVT chấp thuận.
Đã có trên 13.000 xe được doanh nghiệp báo cáo trực tiếp tham gia thí điểm ứng dụng công nghệ. Về kết quả, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, đề án đã đạt được nhiều kết quả, trong đó có công tác thu nộp thuế của các DN, HTX vận tải thực hiện cơ bản tốt; kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại; hiệu quả về mặt kinh doanh vận tải được các DN, HTX tham gia thí điểm đánh giá cao…
Đề cập một số hạn chế, văn bản nêu rõ, có một số nội dung cụ thể: Gia tăng phương tiện (do tính hữu ích của phần mềm điều hành). Các phương tiện tham gia thí điểm được xác định là xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử, do vậy không chịu sự ảnh hưởng của hệ thống biển báo, hạn chế phạm vi hoạt động như taxi, làm giảm hiệu quả tổ chức giao thông trong đô thị. Về nộp thuế, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, còn có hiện tượng một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành các quy định.
Số lượng phương tiện và thuế của Grab, Uber vẫn là bí mật
Chiều 8/6, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, sau nhiều lần đề nghị Uber Việt Nam báo cáo số liệu phương tiện và các vấn đề liên quan, thậm chí mời đại diện đến họp nhưng Uber Việt Nam vẫn từ chối; riêng thông tin về số lượng phương tiện Uber cho rằng, vẫn chưa thể báo cáo Sở GTVT Hà Nội. Với Grab, trả lời phóng viên Tiền Phong về số lượng phương tiện và số thuế đã đóng hằng năm, đại diện Grab cho rằng: “Grab Việt Nam đang trong quá trình làm việc, phối hợp với các bên có liên quan để triển khai thực hiện thí điểm phù hợp với tình hình của mỗi địa phương. Về số lượng phương tiện, chúng tôi xin phép không đưa ra thông tin vì đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp”.