Theo chân sĩ tử rút - nộp hồ sơ

TP - Những ngày áp chót của đợt một tuyển sinh ĐH - CĐ 2015, hành trình nộp - rút, rút - nộp hồ sơ khiến nhiều gia đình phải nháo nhác cùng con em mình.
Ông Nguyễn Văn Hai và đứa cháu trai ngồi đợi nhận hồ sơ tại ĐH Công nghiệp TPHCM

Sáng 18/8, vừa rời khỏi bến xe Chợ Lớn, ông Nguyễn Văn Hai  (ở thành phố Tân An, Long An) dắt cháu trai là Nguyễn Thanh Hùng (SN 1997) bắt xe buýt lặn lội đến trường ĐH Công nghiệp TPHCM để rút hồ sơ xét tuyển đã nộp từ ngày 3/8.

Điệp khúc rút - nộp

Từ tờ mờ sáng, ông Hai chở Hùng từ nhà ở thành phố Tân An ra bến xe gần nhà, gửi xe máy tại đó, hai cậu cháu đón chuyến xe buýt sớm đi lên TPHCM. Tới TPHCM, hai người bắt tuyến xe buýt tiếp theo để đến nơi rút hồ sơ. Ông Hai và Hùng có mặt ở trường ĐH Công nghiệp TPHCM khi đã hơn 9 giờ sáng. Bộ phận tiếp nhận nhận giấy đăng ký và nói Hùng hai giờ sau quay lại nhận hồ sơ.

Đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Hùng được tổng cộng 18,5 điểm và em đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử (ĐH Công nghiệp TPHCM). Một hành trình gian truân bắt đầu đối với Hùng. “Em nộp hồ sơ qua đường bưu điện từ những ngày đầu đợt xét tuyển. Ngày hôm sau, lên mạng không thấy tên mình trong danh sách dự tuyển vào trường nên em buộc phải lên tận trường để hỏi”, Hùng cho biết.

Sáng sớm 3/8, Hùng và cậu chạy  lên ĐH Công nghiệp TPHCM. Đến đây Hùng mới biết không có tên là vì không đọc kỹ quy định nên đã nộp phiếu báo điểm bản phôtô (thay vì phải nộp bản gốc như quy định). Hùng và cậu tất tả quay về nhà để lấy bản gốc đem lên nộp bổ sung ngay trong ngày. Những ngày sau đó, Hùng liên tục dõi theo thứ hạng xét tuyển của mình được cập nhật trên mạng. “Đến ngày 10/8, điểm chuẩn ngành nằm ở mức thấp hơn điểm nộp hồ sơ của mình nên em cũng thấy an tâm. Nhưng đến những ngày cuối đợt xét tuyển, điểm chuẩn cứ tăng dần. Ngay sáng nay (18/8 - PV) thấy trường niêm yết điểm tuyển lên đến 19,25 rồi”, Hùng nói.

“Mệt quá! Tôi vốn không quen đi xe và đặc biệt là đi xa như thế này. Từ lúc con đi thi đến giờ, tính luôn lần này là lần thứ ba tôi phải đi lên thành phố theo con. Mỗi lần đi là tốn đủ thứ tiền. Tôi cố gắng tích cóp lắm mới đủ tiền theo con”.

Bà Trần Thị Hồng, mẹ của thí sinh Ngọc Anh

 “Tui làm nghề chạy xe tải, lên xuống Sài Gòn hoài nên cũng rành đường. Thấy thằng cháu còn lạ đường nên tui mới nghỉ việc đưa đi. Cha nó làm thợ hồ, mẹ buôn bán nhỏ ở chợ suốt ngày có biết gì đâu, gia đình cũng khó khăn. Mình khổ cả đời rồi, thấy nó ham học nên phải động viên, dẫn dắt nó chút đỉnh”, ông Nguyễn Văn Hai nói.

Không riêng gì ông Hai, ở nơi tiếp nhận thí sinh đến nộp –rút hồ sơ, không khó để nhận ra nhiều bậc cha mẹ khác cũng tất bật cùng con em mình lo chuyện hồ sơ. Ai cũng tay cắp túi xách, vai đeo ba lô, người từ Khánh Hòa, Bình Định vào, kẻ từ Long An, Tây Ninh lên…

11 giờ trưa, cậu cháu Hùng nhận được hồ sơ. Hai người tức tốc bắt xe buýt qua trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (Q.1) để nộp hồ sơ như dự định trước đó. Tuy nhiên đến đây thì giờ làm việc buổi sáng đã kết thúc. Ông Hai và Hùng trò chuyện với bộ phận tư vấn tuyển sinh của trường thì được biết chỉ tiêu của ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, ngành mà Hùng định nộp vào đã có đủ hồ sơ đăng ký.

Nghe thông tin vậy, hai cậu cháu lại nháo nhào chạy ngược lại ĐH Công nghiệp TPHCM để tìm cách khác. Tại đây, nhờ một người quen tư vấn nên cuối cùng Hùng lại nộp vào trường này với nguyện vọng 1 là ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt (hệ đại học chính quy) và một ngành khác vào  hệ cao đẳng nghề. “Giờ dứt khoát rồi, ngày mai điểm số có dao động lên xuống gì thì cũng chịu chứ không rút ra nộp vào gì nữa”, ông Hai nói.

Hơn hai giờ chiều, ông Hai cùng đứa cháu lại bắt xe buýt trở về nhà, tạm kết thúc “công cuộc” rút-nộp-rút đầy gian truân nhưng không khỏi lo lắng về kết quả cuối cùng.

Mất ăn, mất ngủ vì chuyện rút - nộp

Vừa trải qua hai chặng xe để từ Tây Ninh đến TPHCM, mẹ con bà Trần Thị Hồng vội vã đến ngay Đại học Sư phạm rút hồ sơ. Tuy nhiên, lúc này thời gian làm việc buổi sáng cũng vừa  hết. Vậy là hai mẹ con bà Hồng đành phải chờ đến đầu giờ chiều.

Không an tâm để con lên thành phố một mình, suốt mùa tuyển sinh này, bà Hồng (50 tuổi, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) đã phải ba lần khăn gói theo con “ứng thí”. Gia cảnh cũng không mấy khá giả, kinh tế cả nhà chỉ trông cậy vào mảnh vườn, đàn lợn và nghề tráng bánh. Chỉ có duy nhất một đứa con, nên vợ chồng bà mong con học đến nơi đến chốn để sau này có cuộc sống sung sướng hơn ba mẹ. Đến kỳ thi THPT Quốc gia, vợ chồng bà Hồng bàn bạc và thống nhất để bà đi với con, chồng bà sẽ ở nhà trông nom nhà cửa và lo việc làm ăn.

Ông Hai trao đổi với một bạn trẻ tại khu vực tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng

Thi được 21,5 điểm, Ngọc Anh nộp hồ sơ vào ngành Sư phạm Văn trường ĐH Sư phạm TPHCM. Sau nhiều ngày mất ăn mất ngủ vì thấy hồ sơ ngày càng tụt hạng trên bảng danh sách, Ngọc Anh cùng mẹ quyết định rút hồ sơ chuyển sang trường khác.

Thức dậy từ sáng sớm, lỉnh kỉnh  hành lý bên người, mẹ con bà Hồng đón xe đến trung tâm huyện Dương Minh Châu để có thể bắt xe đi TPHCM. Khi đặt chân đến nơi thì đã trưa, hai mẹ con bà Hồng mua vội ổ bánh mì, chai nước cho qua bữa  và chọn một chiếc ghế đá trong khuôn viên ĐH Sư phạm TPHCM để nghỉ ngơi.

“Mệt quá! Tôi vốn không quen đi xe và đặc biệt là đi xa như thế này. Từ lúc con đi thi đến giờ, tính luôn lần này là lần thứ ba tôi phải đi lên thành phố theo con. Mỗi lần đi là tốn đủ thứ tiền. Tôi cố gắng tích cóp lắm mới đủ tiền theo con”, bà Hồng mệt mỏi nói.

Đêm trước, bà Hồng gần như thức trắng vì lo lắng, sợ trục trặc không rút được hồ sơ thì uổng phí mất công sức thi cử của con. “Từ khi con thi xong, tôi mất ăn, mất ngủ. Cứ tưởng 21,5 điểm là an toàn rồi. Không ngờ, năm nay điểm cao quá. Bây giờ tôi cũng không biết cho con học trường gì và ngành nào cho phù hợp với điểm số nữa”, bà Hồng nói.

Vật vã chờ đợi, cuối cùng cũng đến giờ làm việc buổi chiều. Bà Hồng đứng ngoài trông ngóng con gái đang xếp hàng. “Con lo lắng 3 thì mình lo lắng đến 7 phần. Tôi đâu có rành chuyện thi cử, tôi nghe con kể thấy khó vào đại học lắm. Tôi cũng không biết làm sao nữa. Tới đâu thì tính tới đó thôi”.

Rồi như chợt nhớ điều gì, bà vội đi tìm mua cơm cho con. Bà Hồng nói: “Sáng giờ mẹ con mới lót dạ bằng bánh mì thôi. Lo lắng quá tôi quên mất là con chưa ăn gì, lỡ đợi lâu quá con đói rồi mệt thì sao?”.

Sau khi gần hai giờ chờ đợi và làm thủ tục, cuối cùng Ngọc Anh cũng rút được hồ sơ. Lúc này, hai mẹ con tươi tỉnh hơn. Ngọc Anh cho biết: “Cả em và mẹ đều quá mệt mỏi với kỳ tuyển sinh lần này. Trước khi thi em cũng không ngờ là nó lại phức tạp đến thế. Phải chọn thật kỹ, thật đúng mới có cơ hội. Lúc đầu em cứ tưởng 21,5 điểm đã 100% có thể vào Khoa Văn được rồi. Nhưng không ngờ điểm số của em còn thua rất nhiều bạn nữa”.

Thu dọn mớ đồ đạc lỉnh kỉnh, mẹ con bà Hồng dắt nhau đi tìm nhà trọ tá túc một đêm để ngày mai lại đi nộp hồ sơ vào một trường khác. Bà Hồng thở dài: “Tôi nghe nói bây giờ thuê trọ họ “chém” ghê lắm. Nên tôi với con sẽ qua quận Gò Vấp, nơi đó có người chị bà con họ ngoại của tôi. Họ sẽ tìm nhà trọ giúp cho hai mẹ con. Chân ướt chân ráo lên thành phố này, mấy lần trước tôi cũng bị mấy nhà trọ ra giá trên trời rồi”.

Khi được hỏi sẽ nộp hồ sơ vào trường nào, Ngọc Anh nói chưa thể chọn được trường nào hợp lý. “Có lẽ em sẽ chọn Đại học Mở, ngày mai em và mẹ sẽ đến đó để tham khảo kỹ hơn. Nếu trường đó ổn thì em sẽ nộp vào. Sau đó sẽ cùng mẹ về quê, thấy mẹ đi theo em cực khổ quá, em cũng thấy có lỗi nhiều lắm”, Ngọc Anh nói.