THẾ GIỚI 24H: Ukraine có chiến lược đối đầu lâu dài với Nga

TPO - Moscow tố cáo Kiev âm mưu tiến hành một cuộc đối đầu có tầm ảnh hưởng lớn với Nga, đồng thời viện dẫn chiến lược an ninh quốc gia của Ukraine như một bằng chứng.

Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia của Nga, ông Nikolai Patrushev ngày 11/8 cho rằng: “Chiến lược an ninh quốc gia của Ukraine nhằm đối đầu lâu dài với Nga. Điều đó khiến chúng tôi quan ngại”. Theo ông Patrushev, chiến lược đó cho phép Phương Tây sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, công nghiệp và quân sự của Kiev và điều đó tiềm ẩn nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở miền Đông Nam đang bất ổn của Ukraine.

Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã tuyên bố rằng ông hiện đang ở thành phố Rostov-on-Don (Nga) và sẽ không quay về Ukraine do lo ngại đe dọa đến tính mạng. Luật sư của ông Yanukovych là Vitaly Serdyuk ngày 11/8 cho biết, ông Yanukovych từ chối có mặt tại Văn phòng Tổng Chưởng lý Ukraine vì lo sợ nguy hiểm đến mạng sống. “Ông Yanukovych sẽ không đến đó do ông lo sẽ bị đe dọa đến sinh mạng và sức khỏe của mình. Thân chủ của tôi mới đưa ra một tuyên bố bắt đầu các hoạt động điều tra về những vụ việc mà ông có liên quan. Ông muốn được thẩm vấn qua mạng hoặc bởi một điều tra viên đích thân đến nơi ở của ông”, ông Serdyuk cho biết.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng, hy vọng của các nước bị lôi kéo vào cuộc xung đột Syria về giải pháp quân sự cho số phận Tổng thống Bashar al-Assad có thể dẫn đến sự chiếm lĩnh quyền lực bởi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. “Tôi không mong là ai đó trong số các nước bị lôi cuốn ít nhiều vào sự kiện xung quanh cuộc khủng hoảng Syria, lại hy vọng vấn đề ông Bashar al-Assad có thể giải quyết bằng con đường quân sự, vì cách duy nhất cho giải pháp như vậy là sự giành quyền lực bởi Nhà nước Hồi giáo và những kẻ khủng bố khác. Tôi không nghĩ ai muốn điều này”, ông Lavrov nhấn mạnh tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Saudi Arabia Adel al-Dzhubeyr.

Thủ lĩnh của nhóm Tiểu vương quốc Arab Caucasus ở vùng Dagestan nhiều bất ổn đã bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích ở vùng núi, trong đó có các cuộc oanh kích nhằm vào nhóm này. Bộ Nội vụ Cộng hòa Dagestan thuộc Nga cho biết có 4 đối tượng đã bị tiêu diệt trong chiến dịch do các lực lượng đặc nhiệm và quân đội Nga tiến hành.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thay đổi chiến thuật, theo đó kêu gọi những đối tượng ủng hộ tổ chức này tại Anh tiến hành các cuộc tấn công kiểu "sói đơn độc" ở chính nước họ thay vì tới Syria gia nhập IS. Theo điều tra của phóng viên kênh truyền hình Sky News: "IS rõ ràng muốn những kẻ mà chúng tuyển mộ tấn công Vương quốc Anh thay vì tới cái gọi là vương quốc của chúng. Chúng tôi có thể khẳng định rằng đây là một chiến thuật hoàn toàn mới của IS. Trước đây, chúng kêu gọi các tình nguyện viên tới Syria gia nhập tổ chức".

Ngày 11/8, Ai Cập đã đưa thủ lĩnh tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) Mohamed Badie ra hầu tòa với cáo buộc tổ chức biểu tình tại Quảng trường Rabaa Al-Adawiya ở thủ đô Cairo hồi năm 2013. Cuộc biểu tình trên đã dẫn tới đụng độ đẫm máu làm 10 cảnh sát và hơn 800 người biểu tình Hồi giáo thiệt mạng. Theo bản cáo trạng của công tố viên, Badie và một số đối tượng khác phải ra hầu tòa vì tội tổ chức, tham gia biểu tình vũ trang cũng như tội sát hại dân thường và cảnh sát. 

Ngày 11/8, các nhà điều tra về vụ máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ ngày 17/7/2014, cho biết họ đã phát hiện được những mảnh vỡ “có thể” là từ tên lửa BUK do Nga chế tạo ở nơi chiếc máy bay xấu số này rơi gần Donetsk, khu vực miền Đông Ukraine. Trong một thông báo chung,  công tố viên và Ủy ban An toàn Hà Lan cho biết các nhà điều tra quốc tế và Hà Lan đang xem xét làm rõ “một số phần, có thể xuất phát từ một hệ thống tên lửa đất đối không BUK”.

Ngày 11/8, Hy Lạp đã đạt được thoả thuận với các nước chủ nợ về gói cứu trợ lần thứ ba, sau hai tuần đàm phán tại Athens. Theo thỏa thuận vừa đạt được Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ rót cho Hy Lạp 86 tỷ Euro trong vòng 3 năm tới. Hy Lạp chấp nhận bán bớt tài sản công, trong đó có bến cảng, một phần mạng lưới đường sắt, để gom đủ 50 tỷ Euro và đặt số tiền đó dưới sự giám sát của chủ nợ. Hy Lạp cũng đồng ý sẽ cắt giảm thêm chi tiêu của Chính phủ để giảm thâm hụt ngân sách công trong năm nay, tiến tới có thặng dư từ năm sau.

Ngày 11/8, cảnh sát Hong Kong mở chiến dịch bắt giữ năm tài xế dịch vụ Uber và khám xét văn phòng của hãng này. Theo AFP, cảnh sát ở Hong Kong giả làm khách hàng dùng ứng dụng di động thuê xe taxi Uber để bắt giữ các tài xế. “Khi đến địa điểm, các sĩ quan trả tiền taxi bằng thẻ tín dụng, công khai danh tính của họ rồi bắt giữ các tài xế” - người phát ngôn lực lượng cảnh sát Hong Kong cho biết. Nhà chức trách nhấn mạnh các tài xế tuổi từ 28-65 bị bắt giữ vì tội “lái xe bất hợp pháp vì mục đích thuê mà không có bảo hiểm của bên thứ ba”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 11/8 đã phá giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong ba năm qua. PBoC đã ấn định tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ từ 6,1162 nhân dân tệ/1 USD của ngày 10/8 tăng lên 6,2298 nhân dân tệ/1 USD. Cơ quan này cho biết việc giảm 1,9% sẽ giúp tỷ giá hối đoái theo định hướng thị trường hơn, tuy nhiên thị trường tiền tệ châu Á đã ngay lập tức bị ảnh hưởng. Đồng dollar Singapore và đồng won Hàn Quốc lần lượt giảm 0,6% và 1,2%, đồng thời thị trường chứng khoán châu Á cũng theo đà sụt giảm.