THẾ GIỚI 24H: Quân đội Ukraine oanh tạc sân bay Donetsk

TPO - Quân đội Ukraine ngày 13/4 đã tiến hàng hàng loạt cuộc oanh kích vào các vị trí của lực lượng vũ trang “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk tự xưng tại sân bay Donetsk. Tuy nhiên, nguồn tin từ khu vực chưa xác định vụ tấn công sử dụng đạn pháo hay đạn rocket.
Sân bay Donetsk.

Tính đến 24h đêm ngày 13/4, chưa có thông tin về sự xuất hiện các đơn vị trên bộ của quân đội chính phủ Ukraine tại khu vực và con số thông kê tổn thất do vụ tấn công khiêu khích trên.

Trước đó, giới chức Ukraine từng khẳng định sẽ tái chiếm bằng được sân bay Donetsk, địa điểm mang tính chiến lược tại miền Đông nước này. Trước đó, Báo cáo của các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 13/4 cũng xác nhận các cuộc đụng độ vũ trang đã tái diễn giữa quân đội và lực lượng dân quân đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, bất chấp lệnh ngừng bắn được ký kết từ ngày 12/2.

Dẫn tuyên bố của đại diện Trung tâm kiểm soát và điều phối chung, OSCE cho biết các đơn vị vũ trang tình nguyện của Ukraine đã tổ chức tấn công để vượt đường giới tuyến tại khu vực Jabunki, ngoại ô thành phố Donetsk. Các loại vũ khí như pháo tăng, đại bác, súng phóng lựu tự động, súng đại liên... đã được sử dụng, theo RIA Novosti.

Ngày 13/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer tuyên bố rằng, các nước G-7 vẫn "cởi mở" đối với việc Nga tham dự các hội nghị thượng đỉnh của nhóm, song điều này sẽ chỉ xảy ra sau khi tình hình ở Ukraine thay đổi.

Hãng Bloomberg dẫn lời ông Schaefer cho rằng "tình hình chính trị" đã khiến khả năng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 sắp tới trở thành không thể. Cùng ngày, tại biệt thự Borsig ở thủ đô Berlin sẽ diễn ra cuộc hội đàm của 4 ngoại trưởng "Bộ tứ Normandy" - gồm Frank-Walter Steinmeier (Đức), Sergey Lavrov (Nga), Laurent Fabius (Pháp) và Pavel Klimkin (Ukraine) - để thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận Minsk.

Dự kiến, những kết quả mà các ngoại trưởng đạt được trong cuộc gặp này sẽ là chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 sẽ khai mạc vào ngày 14/4 tại thành phố Lubeck trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Đức trong G-7, theo Sputnik.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Mark Wright ngày 13/4 nói rằng, Mỹ sẽ đáp trả vụ máy bay chiến đấu Su-27 của Nga chặn máy bay do thám RC-135U của Mỹ trên bầu trời biển Baltic, đồng thời khẳng định vụ việc này có thể khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên phức tạp.

Theo ông Wright, "vụ việc không chuyên nghiệp này có khả năng gây nguy hiểm cho phi hành đoàn của máy bay. Quan trọng hơn, hành vi bất cẩn của một phi công riêng biệt có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra căng thẳng giữa các quốc gia". Ông Wright cũng cho rằng thời gian gần đây Không quân Nga đã gia tăng hoạt động thay đổi an ninh liên quan đến tình hình miền Đông Ukraine.

Lực lượng phòng thủ vũ trụ của Nga vừa phát hiện được một nhóm vệ tinh gián điệp điện tử cải trang là rác vũ trụ. Thiếu tướng Oleg Maidanovich thuộc Bộ Chỉ huy không gian Nga cho biết: “Các chuyên gia của Trung tâm tình báo vũ trụ chủ chốt phát hiện ra một nhóm vệ tinh gián điệp điện tử. Các chùm vệ tinh này được phát triển để do thám các căn cứ trong lãnh thổ Nga".

Theo chỉ huy trên, việc các vệ tinh tiên tiến được ngụy trang như rác vũ trụ là thường xảy ra. Thiếu tướng Maidanovich nói: Ước tính có tới 100.000 vật thể bay quanh hành tinh chúng ta và trung tâm tình báo vũ trụ chủ chốt - tọa lạc tại khu vực Moscow, thường giám sát 20.000 trong số cả trăm nghìn vật thể đó".

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ điều phái viên chứ không đích thân đến dự lễ kỉ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga, sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, một quan chức đảng Saenuri cầm quyền thuộc ủy ban đối ngoại của quốc hội, đồng thời là trợ lý thân cận của bà Park, sẽ tham dự sự kiện với tư cách là phái viên đặc biệt của tổng thống. Quan chức chính phủ và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc không cho biết lý do bà Park không đến dự.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 13/4 cho biết nhân chuyến thăm Mỹ lần này, ông sẽ tìm kiếm sự tăng cường hỗ trợ không quân và cung cấp vũ khí từ phía Mỹ dành cho Iraq trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến.

Phát biểu với các phóng viên khi được hỏi về mục đích chuyến thăm Washington - nơi ông Abadi sẽ gặp Tổng thống Barack Obama vào ngày 14/4, Thủ tướng Iraq đáp: "Việc đầu tiên là sự tăng cường đáng kể trong chiến dịch không kích và cung cấp vũ khí”.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev ngày 13/4 nói rằng chiến dịch quân sự ở Yemen có thể dẫn đến xung đột nghiêm trọng giữa các nước  Ả Rập và Iran.

"Ngày càng có nhiều quốc gia bị lôi kéo vào cuộc xung đột, bao gồm Bahrain, Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ả-rập Saudi, Ai Cập, Jordan, Morocco và Sudan. Tình hình có thể phát triển thành một cuộc đối đầu lan rộng giữa người Sunni và người Shi'ite và sau đó leo thang thành một cuộc xung đột giữa các quốc gia Ả Rập và Iran”, Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev nói.

Yemen có vị trí địa lý quan trọng vì án ngữ lối vào Vịnh Aden-Biển Đỏ và có thể kiểm soát eo biển Bab el-Mandeb. Mỗi năm, có tới 20.000 tàu thuyền đi qua eo biển này và đây là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới.

Công ty mẹ của hãng Germanwings có thể phải hầu tòa với tội danh ngộ sát, khi cho phép Andreas Lubitz lái máy bay dù biết anh ta mắc bệnh trầm cảm. Theo đó, các bác sĩ của Hãng hàng không Lufthansa (công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ Germanwings) trước đó đã khuyến cáo đưa cơ phó Andreas Lubitz đi điều trị tâm lý. Dẫn các tài liệu được một cơ quan vận tải hàng không, tờ Bild của Đức ngày 13/4 đưa tin trong năm 2009, các bác sĩ đà từng khuyến cáo rằng, “Lubitz nên tiếp tục điều trị tâm lý mặc dù nhìn bề ngoài anh ta phù hợp để bay”. Còn tờ Mirror cho biết, hãng Lufthansa đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với một nhà điều trị tâm lý của hãng đã cho phép Lubitz trở lại buồng lái.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, Hà Lan, Brazil, Phần Lan, Gruzia, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Áo vừa được chấp thuận để trở thành thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), nâng tổng số thành viên sáng lập của thể chế này lên con số 46.

Các sáng lập viên có quyền đặt ra các quy định cho AIIB, trong khi những thành viên thông thường khác đăng ký gia nhập sau ngày 31/3 sẽ chỉ có quyền bỏ phiếu và không có nhiều tiếng nói trong quá trình hoạch định chính sách. AIIB có nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển đường bộ, đường sắt, sân bay và các dự án cơ sở hạ tầng khác trong khu vực châu Á. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này sẽ gia nhập AIIB.

Trong phiên chiều 13/4, tại thị trường châu Á, giá dầu “nối gót” đà tăng của tuần trước. Cụ thể, tại thị trường Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cộng thêm 11 xu Mỹ lên 51,75 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 12 xu Mỹ lên 57,99 USD/thùng. Michael McCarthy, chiến lược gia hàng đầu về thị trường tại CMC Markets ở Sydney nhận định thị trường dầu đang tiếp tục đà đi lên của phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, thị trường đầu tuần này cũng đã bắt đầu giao dịch thận trọng do nguồn cung dầu thế giới vẫn tiếp tục tình trạng dôi dư.