THẾ GIỚI 24H: Quân đội Syria phá vòng vây quan trọng của IS

TPO - Ngày 10/11, quân đội chính phủ Syria đã phá vỡ vòng vây kéo dài hơn 1 năm qua của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) xung quanh một căn cứ không quân quan trọng ở tỉnh Aleppo, miền Bắc nước này, AFP đưa tin.
Các tay súng thuộc quân đội chính phủ Syria ở Kweyris, phía Đông Aleppo, ngày 10/11. Nguồn: AFP.

Một nhóm binh sỹ quân đội Syria đã chọc thủng vòng vây của IS ở phía Tây sân bay Kweyris và tới gặp các đồng đội đang ở trong căn cứ này. Truyền hình nhà nước Syria cho biết, "một số lớn phần tử khủng bố IS" đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích này.

Ít nhất 23 người thiệt mạng và 65 người bị thương sau khi xảy ra vụ bắn rocket ngày 10/11 tại thành phố Latakia, nơi có căn cứ không quân Nga tại Syria. Hãng tin RIA Novosti dẫn lời cảnh sát địa phương xác nhận về thông tin trên. Tuy nhiên chính quyền địa phương lại thông báo chỉ có khoảng 12 người bị thương trong vụ tấn công. Hai vụ nổ đã xảy ra trên đường cao tốc nối giữa thành phố Latakia tới căn cứ không quân Hmeymim của Nga. Theo các nhân chứng, rocket được bắn từ ngoại ô thành phố Latakia. 

Theo một dự thảo tài liệu mà hãng tin Reuters có được và công bố ngày 10/11, Nga muốn Chính phủ Syria và phe đối lập nhất trí tiến hành quá trình cải cách hiến pháp kéo dài tới 18 tháng, và sau đó là một cuộc bầu cử tổng thống sớm. Đề xuất gồm 8 điểm, do Moskva soạn thảo trước thềm một cuộc đàm phán đa phương về Syria dự kiến diễn ra trong tuần này, không loại trừ khả năng Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tham gia vào cuộc bầu cử sớm kể trên - điều mà các đối thủ của ông cho rằng không thể xảy ra nếu muốn lập lại hòa bình ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10/11 cảnh báo, Nga sẽ đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bằng việc triển khai các loại vũ khí tấn công mới có khả năng “xuyên” qua lá chắn. Phát biểu tại cuộc gặp các quan chức quốc phòng Nga tại Sochi, ông Putin khẳng định: “Mỹ và các đồng minh không ngừng việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, không tính đến mối lo ngại cũng như đề xuất hợp tác của Nga. Nga sẽ đưa ra tất cả các bước đi đáp trả cần thiết. Chúng ta cũng sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng ở giai đoạn đầu như chúng ta đã nói nhiều lần trước đây, phía Nga sẽ tập trung vào hệ thống tấn công có khả năng công phá bất cứ hệ thống chống tên lửa nào”.

Chánh văn phòng Điện Kremlin của Nga ông Sergei Ivanov, ngày 10/11, cho biết, lệnh cấm tất cả các chuyến bay của Nga tới Ai Cập có thể kéo dài ít nhất vài tháng. Phát biểu khi đang ở thăm Phần Lan, ông Sergei Ivanov cho rằng, Ai Cập sẽ khó có thể xem xét lại một cách triệt để hệ thống an ninh của mình trong một thời gian ngắn. Ai Cập cũng cần phải kiểm tra lại cơ chế an ninh, không chỉ tại Sharm el-Sheikh mà còn các sân bay ở Cairo và một số khu nghỉ dưỡng khác. Trước đó, Nga đã dừng tất cả các chuyến bay đến Ai Cập do lo ngại an ninh sau vụ rơi máy bay của Nga trên bán đảo Sinai hôm 31/10, làm 224 người thiệt mạng.

Chiến dịch không kích quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ và liên quân thực hiện đã làm suy yếu tổ chức này. Nhưng chừng đó là không đủ nếu không đưa bộ binh Mỹ tham chiến – Tư lệnh (Bộ trưởng) không quân Mỹ nói. Tại triển lãm hàng không Dubai diễn ra hôm 10/11, bà Debroah Lee James bình luận: “Sức mạnh không quân là đặc biệt quan trọng. Nó có thể giúp ích nhiều, nhưng không thể giải quyết tất cả. Không quân không có khả năng chiếm giữ lãnh thổ và hơn tất thảy nó không có khả năng kiểm soát lãnh thổ. Đó là lý do chúng ta cần sự hiện diện trên mặt đất. Chúng ta cần phải đưa bộ binh tham gia trong chiến dịch này”. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố chính Mỹ đã trở thành nạn nhân của mô hình “cô lập” mà Washington áp đặt đối với Moskva. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Komsomolskaya Pravda, bà Zakharova nói: “Chúng tôi chẳng muốn gì từ Mỹ cả mà chính họ mới là bên mong muốn điều gì đó từ phía chúng tôi, nếu dựa trên số lời mời tham dự các cuộc họp cấp bộ trưởng mà Nga đang nhận được. Mỹ đã trở thành nạn nhân của mô hình do chính họ tạo ra. Một mặt Washington đã thất bại trong nỗ lực cô lập Moskva, mặt khác Mỹ đã đơn phương đóng mọi cánh cửa hợp tác và chỉ để ngỏ một kênh duy nhất - với Bộ Ngoại giao Nga. Bây giờ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng lại không có kênh nào để thực hiện.”

Thủ tướng Anh David Cameron, ngày 10/11, bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được 4 mục tiêu trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề cải cách liên minh này, đồng thời cảnh báo Vương quốc Anh sẽ "xem xét lại" tư cách thành viên của EU nếu những mục tiêu này không được đáp ứng. Ông Cameron khẳng định sự kiên trì, thiện chí và sự khéo léo chắc chắn những mục tiêu cải cách trên có thể được thực hiện. Theo ông, nếu kế hoạch cải cách trên được thực hiện sẽ mang lại sự an toàn hơn và thịnh vượng hơn cho các thế hệ tương lai của nước Anh và châu Âu.

Ngày 10/11, liên minh đối lập cánh tả của Bồ Đào Nha đã hạ bệ chính phủ thiểu số trung hữu của nước này trong một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội. Động thái này diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi chính phủ tuyên thệ nhậm chức. Liên minh mới được thành lập gồm Đảng Xã Hội, Đảng Cộng sản và các đồng minh đã bỏ phiếu ủng hộ kiến nghị bác bỏ chương trình của chính phủ trung hữu, động thái nhiều khả năng gây hoảng loạn đối với các nhà đầu tư và thị trường trong bối cảnh Bồ Đào Nha đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ngày 10/11, Ủy ban bầu cử liên bang (UEC) của Myanmar đã công bố thêm 179 ghế nghị sĩ ở 3 cấp gồm Thượng viện, Hạ viện và nghị viện vùng hoặc bang. Như vậy, tính tới tối 10/11, UEC đã công bố tổng cộng 285 ghế nghị sĩ của cả 3 cấp, trong đó có 88 ghế Hạ viện, 33 ghế Thượng viện và 164 ghế nghị viện vùng hoặc bang.