THẾ GIỚI 24H: Ông Donald Trump từ chối dự Hội nghị An ninh Munich

TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định sẽ cử Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly tham dự Hội nghị An ninh Munich tại Đức vào tháng 2 tới.
Ảnh: AP

Thủ tướng bang Bayern Horst Seehofer đã mời ông Trump thăm Munich cũng như tham dự Hội nghị An ninh thường niên chỉ vài ngày sau khi ông được bầu làm Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016. Trước đây, các Tổng thống Mỹ không tham dự sự kiện này mà thay vào đó là Phó Tổng thống. Ông Mike Pence, Phó tướng của ông Trump, cũng đã được mời nhưng hiện chưa rõ có tham dự hội nghị cùng các nhà lãnh đạo châu Âu, Trung Đông này hay không. 

Ngày 25/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hai sắc lệnh hành pháp nhằm giữ đúng cam kết khi vận động tranh cử rằng ông sẽ tăng cường an ninh biên giới và trấn áp người nhập cư sinh sống trái phép ở Mỹ. Hai sắc lệnh hành pháp trên được ông Trump ký tại một buổi lễ tổ chức tại trụ sở Bộ An ninh Nội địa sau khi vinh danh Tướng nghỉ hưu John Kelly, người vừa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn làm người đứng đầu bộ này.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Moscow "không ảo tưởng" về khả năng nhanh chóng cải thiện những quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ dưới thời chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump. Trước đó các quan chức Nga đã vui mừng trước việc ông Trump thắng cử và bày tỏ hy vọng quan hệ hai nước sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tuy vậy, ông Lavrov khẳng định Moscow hoan nghênh cam kết của ông Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định thỏa thuận giữa nước này với Nga và Iran về việc làm thế nào để kiểm soát lệnh ngừng bắn giữa các bên tham chiến tại Syria, là một “thành công ngoại giao quan trọng”. Ông Yildirim cũng khẳng định thỏa thuận trên có thể mở đường cho một giải pháp chính trị tại Syria.

Tổng thống bị luận tội của Hàn Quốc Park Geun-hye một lần nữa lên tiếng bác bỏ hàng loạt những lời cáo buộc tham nhũng chống lại bà, gọi đây là những “lời nói dối lố bịch khổng lồ”. Nữ chính khách này nhấn mạnh rằng vụ bê bối hiện nay liên quan đến bà và người bạn thân Choi Soon-sil có thể "đã được dàn dựng từ trước". 

Ngày 25/1, Trung Quốc công bố danh sách toàn diện mới về các mặt hàng bị cấm xuất khẩu sang Triều Tiên, trong đó có nhiều sản phẩm có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong danh mục các mặt hàng bị cấm xuất sang Triều Tiên có các sản phẩm có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, cụ thể là để phát triển các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. 

Ấn Độ tiến hành thử thành công lần thứ 2 tên lửa dẫn đường Pinaka. Trong một tuyên bố chính thức, Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) cho biết hệ thống tên lửa trên đã được thử nghiệm thành công ngày 24/1, từ bãi thử tích hợp ở Chandipur, bang Odisha trước sự chứng kiến của các sỹ quan pháo binh cấp cao. Tầm bắn của tên lửa Pinaka đã được nâng từ 40 km lên 70 km, với độ chính xác được cải thiện trong phạm vi từ 500m xuống 50m.

Bộ Quốc phòng Israel thông báo hoàn tất giai đoạn thử phiên bản tiên tiến của hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung "David's Sling" mà nước này phát triển chung với Mỹ.

Hệ thống này có thể bắn hạ các loại rocket tầm bắn từ 100 đến 200km, giống như những loại trong kho vũ khí của Hezbollah - nhóm Hồi giáo Liban được Iran hậu thuẫn từng giao tranh với Israel hồi năm 2006, cũng như đánh chặn máy bay hoặc tên lửa hành trình tầm thấp.

Phán quyết của Tòa án Tối cao Anh ngày 24/1 rằng việc chính phủ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon nhằm khởi động tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, cần được thông qua tại Quốc hội, đang làm gia tăng bất ổn chính trị tại Xứ sở sương mù. Các thị trường hiện đang "nín thở" chờ đợi một dự luật mà chính phủ dự kiến công bố ngày 26/1 và sau đó sẽ trình lên Quốc hội nhằm tạo quyền pháp lý cho chính phủ khởi động nhanh tiến trình đàm phán rời liên minh.