THẾ GIỚI 24H: Mỹ cáo buộc gián điệp Trung Quốc có mặt khắp nơi

TPO - Giám đốc FBI nói rằng gián điệp Trung Quốc có mặt ở mọi nơi trên 50 tiểu bang của Mỹ, từ lĩnh vực nông nghiệp đến công nghệ cao, tạo ra mối đe dọa lớn cho nước này.
Ảnh minh họa.

Các mối đe dọa từ Bắc Kinh gồm gián điệp kinh tế lẫn gián điệp truyền thống. Theo giám đốc FBI, họ không hoạt động theo cách tình báo truyền thống mà đánh mạnh vào nguồn nhân lực, cũng như các phương tiện mạng. Giám đốc FBI nói: “Các cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy gián điệp kinh tế Trung Quốc có mặt ở 50 tiểu bang. Nó bao gồm mọi thứ từ hạt ngô ở Iowa, đến các tuốc bin gió ở Massachusetts, từ nông nghiệp cho đến công nghệ cao. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, khối lượng và quy mô của gián điệp Trung Quốc là không thể coi thường”.

Chính quyền Trump đang bỏ qua WTO và đơn phương dựa vào luật pháp Mỹ để giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc.Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng "phớt lờ" WTO là một minh chứng về việc chính quyền của ông không thích các tổ chức quốc tế lớn duy trì trật tự chính trị, an ninh và kinh tế toàn cầu. Ông Trump luôn cho rằng hành động đơn phương là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia của riêng mình. Kể từ khi WTO được thành lập vào năm 1995, một trong những mục đích quan trọng nhất của tổ chức này là hành động như một trọng tài trung lập trong các tranh chấp thương mại giữa 164 quốc gia thành viên.

Truyền thông Trung Đông đưa tin, hàng ngàn người Iraq đã xuống đường biểu tình ở các thành phố thuộc khu vực miền Nam và thủ đô Baghdad của Iraq để phản đối các dịch vụ công yếu kém. Giới quan sát cho rằng bất ổn khu vực Trung Đông đang chuyển sang một bộ mặt khác. Người biểu tình đã tập trung ở một trong những quảng trường chính thủ đô Baghdad, mang theo các biểu ngữ bày tỏ sự phản đối và hô khẩu hiệu. Cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông người biểu tình. Còn ở tỉnh Basra, khoảng 3.000 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài trụ sở của chính quyền tỉnh. Như vậy, làn sóng biểu tình phản đối các chính sách xã hội tại Iraq đã bước sang tuần thứ hai. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến 8 người chết, hơn 500 người bị thương.

Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch hồi tháng 5, số người chết trong cuộc chiến tranh chống ma túy ở Bangladesh đã lên tới 200 người, trong khi 25.000 người khác đã bị bắt giữ. Hiện Bangladesh đang phải vật lộn với khoảng 7 triệu (trong tổng số 160 triệu dân) nghiện ma túy, chủ yếu là Yaba. Loại ma túy này không được sản xuất trực tiếp ở Bangladesh, tuy nhiên khoảng 40 triệu USD ma túy được chuyển vào quốc gia Nam Á này mỗi năm qua đường Myanmar. Chỉ trong năm 2017, giới chức chính quyền Bangladesh báo cáo đã thu giữ được khoảng 40 triệu viên Yaba nhưng con số thực tế có lẽ lớn hơn nhiều.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 21/7 đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo để thảo luận về việc cải thiện quan hệ song phương. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho hay trong cuộc điện đàm, ông Lavrov khẳng định việc phía Mỹ bắt giữ người phụ nữ có tên Maria Butina vì tình nghi làm gián điệp là dựa trên những cáo buộc bịa đặt và yêu cầu trả tự do cho người này. Ngoài ra hai quan chức cũng bàn thảo về vấn đề nhân đạo ở Syria.

Theo The Washington Post, các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa đã từ bỏ một nỗ lực áp đặt những hạn chế khắc nghiệt hơn đối với hãng viễn thông Trung Quốc, ZTE sau khi chính quyền Tổng thống Trump chính thức dỡ bỏ lệnh cấm thương mại với công ty này. Điều đó có nghĩa là thỏa thuận của Tổng thống Donald Trump về việc công ty tiếp tục làm việc với các công ty Mỹ sẽ đứng vững, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ giữa hai bên trong bối cảnh lo ngại công ty có thể đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Ngày 21/7, Ai Cập lên tiếng bác bỏ Luật Quốc gia dân tộc Do Thái gây tranh cãi vừa được Quốc hội Israel thông qua, trong đó coi Israel là nhà nước của người Do Thái và Jerusalem là thủ đô. Cairo cảnh báo luật này sẽ đe dọa các nỗ lực hòa bình khu vực. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ Luật Quốc gia dân tộc Do Thái của Israel "củng cố hành vi chiếm đóng và chia rẽ sắc tộc, cũng như đe dọa các cơ hội đạt được hòa bình và một giải pháp toàn diện, công bằng cho vấn đề Palestine."

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo nên được trao thẩm quyền ra lệnh bãi bỏ trừng phạt đối với một số nước mua khí tài phòng thủ của Nga. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 20/7, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh những miễn trừ này sẽ cho phép các nước đang mua các sản phẩm quốc phòng của Nga "xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ khi họ tiếp tục chuyển đổi khỏi sự phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Nga." 

Theo Tổng hợp