THẾ GIỚI 24H: Lí do Ukraine không muốn gây chiến với Nga vì Crimea

TPO - Ngày 23/10, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết Kiev và những quốc gia khác sẽ không tiến hành hành động quân sự chống Nga, quốc gia vốn được xem là một cường quốc hạt nhân lớn. 
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin. Nguồn: Getty.

Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo “Segodnya”, khi trả lời câu hỏi về những cách thức để đưa Crimea trở lại với Ukraine, ông Klimkin nói: “Sẽ không có ai tiến hành những hoạt động quân sự để chống lại một cường quốc hạt nhân như Nga. Tôi muốn nói đến không chỉ Ukraine”. Ngoại trưởng Ukraine đồng thời cho biết Kiev đã chuẩn bị một loạt các bước đi liên quan đến hành động tiếp theo về vấn đề Crimea.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 23/10 cho biết, ông hy vọng sẽ triệu tập lại một cuộc họp khác về cuộc khủng hoảng Syria vào ngày 30/10 tới, sau các cuộc thảo luận với các đồng nghiệp Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia về vấn đề Syria diễn ra cùng ngày ở Vienna (Áo). Ông Kerry đánh giá cuộc gặp bốn bên về Syria đã "mang tính xây dựng và hiệu quả". 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23/10 tuyên bố Moskva ủng hộ các cuộc đàm phán giữa chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và tất cả các nhóm đối lập ở Syria. "Lập trường chung của chúng tôi là chúng ta cần thúc đẩy các nỗ lực cho việc giải quyết tiến trình chính trị ở Syria. Trước mắt là việc khởi động các cuộc đàm phán toàn diện giữa đại diện của Chính phủ Syria và tất cả các nhóm đối lập, cả ở trong và ngoài nước - với sự hỗ trợ của quốc tế", ông Lavrov nói.

Quan chức 24 quốc gia tham gia liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ điều hành sẽ nhóm họp hôm 3-4/11 tới tại thủ đô Brussels (Bỉ) nhằm đánh giá về chiến lược theo đuổi chống IS, trong khi các nhà lãnh đạo quân sự sẽ nhóm họp vào cuối tuần này tại Tây Ban Nha cũng về chủ đề chống thánh chiến. Cuộc họp quy tụ các quan chức phụ trách chính sách thuộc Bộ Ngoại giao của 24 quốc gia trong liên minh sẽ diễn ra tại lâu đài Egmont, nơi thường được tổ chức các cuộc họp quan trọng của chính phủ Bỉ. Cuộc họp này sẽ do Bỉ và Mỹ đồng điều hành. Đây là cuộc họp lần thứ ba về vấn đề chống IS diễn ra trong năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 23/10 cho biết, ông tin chắc rằng sẽ tiến hành thêm các cuộc đột kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tương tự như chiến dịch giải cứu 70 con tin bị IS bắt giữ ở miền Bắc Iraq. “Tôi tin chắc rằng chúng tôi sẽ triển khai thêm các cuộc đột kích theo kiểu này", ông Carter tuyên bố. Theo ông Carter, một trong những lý do để triển khai cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào IS là nhờ hoạt động thu thập thông tin, đặc biệt là những thông tin tình báo có giá trị.  Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nói họ đã sẵn sàng triển khai tàu áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng quyết định thuộc về các nhà lập pháp. "Chúng tôi sẵn sàng", Đô đốc Scott Swift hôm qua trả lời phỏng vấn AP tại văn phòng Trân Châu Cảng, Hawaii. Ông Swift cho biết lực lượng có đủ nguồn lực để hỗ trợ bất cứ quyết sách và bất cứ yêu cầu nào của các nhà lập pháp để thể hiện quyết tâm của Mỹ về chiến dịch ở Biển Đông. Ông Swift nhấn mạnh cuộc tuần tra sẽ củng cố luật quốc tế và không nhằm vào một nước cụ thể nào. 
Cựu Thống đốc bang Rhode Island Lincoln Chafee, ngày 23/10, đã tuyên bố rút lui trong cuộc đua trở thành đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Đây là chính khách thứ 2 của đảng Dân chủ tuyên bố rút lui trong tuần qua. Phát biểu tại một sự kiện của Ủy ban Dân chủ Quốc gia diễn ra ở Washington, ông Chafee tuyên bố ông quyết định chấm dứt chiến dịch tranh cử, đồng thời kêu gọi nước Mỹ chấm dứt can dự vào các cuộc chiến ở nước ngoài - thông điệp trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông.
Công ty Trend Micro có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 23/10 cho rằng, các gián điệp Nga nhiều khả năng đã tìm cách xâm nhập hệ thống máy tính của Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) để tiếp cận báo cáo cuối cùng mang tính nhạy cảm về vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine. Theo đó cáo buộc một nhóm có tên Operation Pawn Storm, "một chiến dịch gián điệp mạng về chính trị và kinh tế " từng tấn công mạng của Nhà Trắng và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong quá khứ, đứng sau vụ xâm nhập mạng của DSB lần này. Theo Trend Micro, Operation Pawn Storm đã tiến hành "chiến dịch gián điệp mạng trước và sau khi" báo cáo chi tiết của DSB về vụ MH17 được công bố hôm 13/10.  Ngày 23/10, vụ đánh bom liều chết thứ 2 trong ngày đã xảy ra tại miền Trung Pakistan, làm ít nhất 20 người thiệt mạng. Kênh tin tức Samaa của Pakistan dẫn lời Bộ trưởng Giao thông nước này Mumtaz Jakhrani xác nhận con số thương vong và cho biết vụ tấn công xảy ra tại thành phố Jacobabad. Đây là một vụ đánh bom liều chết nhằm vào một đám rước lễ hội của người Hồi giáo theo dòng Shiite tại Pakistan. Trước đó cùng ngày, một vụ đánh bom tương tự khiến 10 người thiệt mạng đã xảy ra tại một Nhà thờ Hồi giáo ở vùng nông thôn cách thành phố Quetta của Pakistan khoảng 300 km. Ngày 23/10. Tổng thống Pháp Francois Hollande thăm Hy Lạp đã cam kết giúp đỡ nước này thực hiện những cải cách để đổi lấy cứu trợ tài chính bằng cách hiện đại hóa nhà nước và quản lý thuế. Tổng thống Hollande đưa ra tuyên bố trên với báo giới sau khi ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Thỏa thuận này đặc biệt nhằm cung cấp cho Hy Lạp những kinh nghiệm của Pháp trong việc chống hành vi trốn thuế.