THẾ GIỚI 24H: Bí mật ông Trump cố giấu đã bị giao cho công tố viên

TPO - Hồ sơ thuế mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cố giữ bí mật suốt nhiều năm hiện đã nằm trong tay công tố viên quận Manhattan.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Bloomberg

Theo CNN và CNBC, hồ sơ thuế cùng các tài liệu có liên quan đã được chuyển cho công tố viên quận Manhattan Cyrus Vance, Jr vào đầu tuần này, chỉ vài giờ sau khi toà án tối cao bác bỏ nỗ lực cuối cùng nhằm giữ bí mật tài liệu trên của ông Trump. Danny Frost, phát ngôn viên của công tố viên Vance cũng xác nhận thông tin trên. Hồ sơ trên gồm hàng triệu trang tài liệu, chứa đựng các bản khai thuế của ông Trump từ tháng 1/2011 tới tháng 8/2019 cũng như các báo cáo tài chính, thoả thuận cam kết, tài liệu liên quan tới việc chuẩn bị và xem xét các bản khai thuế, giấy tờ làm việc và thông tin liên quan tới thuế.

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến Myanmar, Anh công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các thành viên của quân đội Myanmar.Hôm 25/2, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố trừng phạt thêm 6 quan chức quân đội Myanmar, đồng thời cho biết Bộ Thương mại Anh sẽ có các biện pháp để đảm bảo các doanh nghiệp Anh không giao dịch với các công ty thuộc sở hữu quân sự của Myanmar. "Các biện pháp hôm nay của Anh gửi một thông điệp rõ ràng tới chế độ quân sự ở Myanmar. Những người chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền sẽ phải chịu trách nhiệm và chính quyền quân sự phải giao lại quyền kiểm soát cho chính phủ do người dân Myanmar bầu ra", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết.

Ngày 25/2, Hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc, trong đó 27 nước sẽ thảo luận về cách tiếp cận chung được áp dụng khi đối mặt với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Đây là cơ hội cho các lãnh đạo châu Âu giải quyết những vấn đề còn tồn tại liên quan đến chiến lược tiêm chủng vắcxin của khối, hạn chế việc di chuyển tự do của người dân hay vấn đề lưu thông hàng hóa và dịch vụ.
Những người ủng hộ ông Donald Trump tham gia vụ bạo loạn ngày 6/1 đã cho thấy ý định "làm nổ tung" Điện Capitol và giết chết các nghị sĩ trong sự kiện sắp diễn ra. Các mối đe dọa cho thấy những kẻ cực đoan có thể nhắm vào tòa nhà Quốc hội Mỹ trong bài phát biểu sắp tới của Tổng thống Joe Biden, quyền giám đốc Cảnh sát Quốc hội Mỹ Yogananda Pittman nói với các nhà lập pháp hôm 25/2. Bà ủng hộ việc tiếp tục duy trì an ninh cao xung quanh Điện Capitol, theo Reuters.
Hãng thông tấn Kyodo News dẫn lời các quan chức chính phủ Nhật ngày 25/2 cho biết lực lượng tuần duyên Nhật có thể trực tiếp nổ súng đối phó tàu công vụ nước ngoài cố tiếp cận quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/ Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) ở biển Hoa Đông. Trong cuộc họp về chính sách quốc phòng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) hôm 25/2, các quan chức chính phủ đã thông báo về cách diễn giải mới này về các luật hiện hành của Nhật.
Ngày 25/2, Thượng viện Mỹ đã xác nhận bà Jennifer Granholm sẽ lãnh đạo Bộ Năng lượng, động thái đưa cựu thống đốc bang Michigan trở thành nhân vật mới nhất của nội các được quốc hội Mỹ thông qua. Kết quả cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện là 64 phiếu thuận và 35 phiếu chống, trong đó có tới 14 thành viên của đảng Cộng hòa cùng với tất cả 50 đảng viên Dân chủ tại Thượng viện ủng hộ đề cử đối với nhân vật này.
Ngày 25/2, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết nước này sẽ tiếp nhận 100.000 liều vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sản xuất, từ Pháp trong bối cảnh CH Séc đang kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước đồng minh khi nước này đang chật vật đối phó với số ca nhiễm tăng trở lại trong những tuần gần đây. Chính phủ Séc đang nỗ lực siết chặt các biện pháp phong tỏa và đẩy nhanh công tác tiêm phòng để làm giảm số bệnh nhân nhập viện trong bối cảnh nhiều bệnh viện trên cả nước đang hoạt động gần hết công suất. Theo số liệu của Bộ Y tế Séc, nước này với 10,7 triệu dân, đến nay đã sử dụng 600.000 liều vaccine, trong đó có 226.780 người đã được tiêm cả hai mũi.
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar ngày 25/2 có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để đánh giá tiến độ rút quân của hai nước tại biên giới ở Đông Ladakh cùng quan hệ song phương. Trong một dòng trạng thái trên Twitter, ông Jaishankar cho biết đã cùng ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận song phương đạt được tại Moscow hồi tháng 9/2020. Cuộc điện đàm được tiến hành sau khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã hoàn tất quá trình rút quân tại bờ Bắc và Nam hồ Pangong. Quân đội 2 nước cũng đã bắt đầu triển khai giai đoạn rút quân thứ 2 khỏi các điểm nóng tranh chấp nằm dọc đường Kiểm soát Thực tế (LAC).
Ngày 25/2, Lực lượng bảo vệ bờ biển của Ấn Độ đã tìm thấy một chiếc thuyền trôi dạt trên biển Andaman chở 90 người tị nạn Rohingya, trong đó có 8 người đã chết. Con thuyền rời Cox's Bazar của Bangladesh vào ngày 11/2 với 90 người, trong đó có 23 trẻ em, tuy nhiên động cơ của chiếc thuyền đã bị hỏng vào ngày 15/2. Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã tìm thấy 81 người còn sống, 8 người đã chết, và 1 người bị mất tích. Trong số những người tị nạn trên thuyền, có 47 người được UNHCR cấp giấy chứng minh nhân dân tại Bangladesh cho biết họ là công dân Myanmar. Ấn Độ đã điều 2 tàu tuần duyên đến để giúp đỡ những người tị nạn, cung cấp thức ăn, nước uống và chăm sóc y tế. Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận với Bangladesh để đảm bảo đưa người tị nạn trở về an toàn.