Nhiều đứa trẻ và phụ huynh của các em ở Tam Dị đã hỏi thầy giáo như vậy. Hiếm ngôi trường THCS nào lại có tỷ lệ đỗ vào THPT là 30% như ở trường Tam Dị 1.
So về sự giàu, có lẽ ít xã nông thôn nào được như Tam Dị (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Với khoảng 4.000 hộ dân nhưng nguồn thu trung bình toàn xã từ kiều hối khoảng 10 tỷ đồng/tháng.
Ông Đào Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã xuýt xoa: “Vài năm trước, tháng nào người dân trong xã cũng nhận khoảng 15 tỷ đồng. Gần đây, thị trường lao động bị thu hẹp, nhất là việc Hàn Quốc “chặn” dân Lục Nam nên thu nhập bị giảm đáng kể”.
Phong trào đi xuất khẩu lao động đã có ở Tam Dị cách đây hàng chục năm. Cho đến nay, theo thống kê của UBND xã Tam Dị, toàn xã có khoảng hơn 2.500 người đang làm việc ở hàng chục quốc gia trên thế giới.
Từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản cho tới Angola, Sip, Arab, Libya… hầu như không thị trường lao động nào vắng người Tam Dị.
XKLĐ thực tế đã mang lại cho Tam Dị rất nhiều. Tuy là địa phương nằm cách xa trung tâm huyện hàng chục kilômét, đi lại còn khó khăn nhưng khu trung tâm xã hoành tráng như một thị trấn nhỏ, đầy đủ dịch vụ.
Nhà cao tầng mọc lên san sát và nhiều căn hộ được xây dựng theo kiểu biệt thự, với số tiền vài tỷ đồng. Giá đất ở đây, vì thế, cao ngất ngưởng.
Cách đây 2 năm, huyện Lục Nam đấu thầu đất ở khu vực chợ Tam Dị, nhiều người đã bỏ ra 2-3 tỷ đồng mua một lô 72 m2, tương đương một ngôi nhà cùng diện tích nằm trên những trục đường to, đẹp nhất của TP Bắc Giang lúc bấy giờ.
Hiện, toàn xã có hơn chục chiếc xế hộp bóng lộn, chiếc cao nhất có giá hơn 2 tỷ đồng, tàng tàng cũng phải 700-800 triệu đồng.
Gia đình ông Ánh, ông Tạo, ông Soạn, ông Bách có 3-4 con đi Hàn Quốc không chỉ có của ăn, của để mà còn mở siêu thị, cửa hàng, công ty lớn.
Gia đình anh Đoàn Văn N. ở thôn Tân Mùi sau khi đi XKLĐ được 6-7 năm đã mua được hàng chục lô đất… Ông Quảng chia sẻ: Nếu so với các xã khác trong huyện Lục Nam, thậm chí cả tỉnh Bắc Giang, thu nhập của Tam Dị luôn cao hơn khoảng 5-6 lần.
Xã có đến gần 500 hộ kinh doanh cá thể, gấp 3 lần các xã khác. Đấy là chưa kể, với việc không có nhân lực cho các hoạt động dịch vụ, sản xuất, Tam Dị lại phải thu hút người nơi khác đến làm thuê.
“Người dân Tam Dị hiện nay ít nhà làm ruộng mà đều đi thuê người. Đến mùa gặt, mùa cấy đông nghìn nghịt người từ nơi khác đến” - ông Quảng nói.
Bao nhiêu tiền mua bằng tốt nghiệp?
Trái ngược sự sầm uất đó, Trường THCS Tam Dị 1 nằm nép mình bên sân vận động, cỏ mọc xanh rì. Ngôi trường tuềnh toàng với 3 khu chính nhưng chỉ có một nhà 2 tầng với 8 phòng học được xây dựng khá kiên cố, còn lại một số lớp phải học trong những phòng xập xệ. Khu hiệu bộ cũng là căn nhà cấp 4 được xây dựng đã lâu năm.
Anh ta có con học hai năm lớp 6 rồi, vợ đi nước ngoài gửi tiền về xây nhà cửa, mua xe cộ đàng hoàng lắm nhưng con không chịu học. Vừa rồi bố thấy thương con lại mua cho con một chiếc máy vi tính xịn, nối mạng để rồi suốt ngày cháu chúi mũi vào Internet. Mà nhà trường cũng chỉ cho đúp nốt năm nay chứ theo quy chế không đúp được năm nữa. Khổ, nhiều tiền mà làm gì…
Thầy Phạm Thụy Dân, Hiệu trưởng, cho biết, cả trường hiện có 376 học sinh, chia thành 14 lớp. Do không đủ phòng nên vẫn phải học 2 ca.
Hỏi về thành tích của nhà trường, khuôn mặt thầy Dân trở nên đăm chiêu: “Nói ra thì thật xấu hổ nhưng năm nào trường cũng đứng ở tốp cuối trong giáo dục toàn huyện. Số học sinh đạt học lực khá có khi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh đỗ vào THPT của toàn trường chỉ đạt khoảng… 30%. Các năm trước cũng vậy hoặc thấp hơn”.
Theo lẽ thông thường, khi người ta bắt đầu có của ăn, của để thì việc chăm sóc, giáo dục con cái được quan tâm hơn. Nhưng điều đó có vẻ không đúng ở Tam Dị.
Theo thầy Dân thống kê thì không ở đâu mà tỷ lệ học sinh có cha, mẹ hoặc cả cha mẹ đi nước ngoài lại nhiều như Tam Dị. Gia đình các em có điều kiện về tiền bạc, mọi đóng góp với trường lớp đều rất đầy đủ. Song phần lớn những gia đình này đều tỏ ra thờ ơ với việc học của con cái, thậm chí bài xích chuyện học hành.
Có những học sinh khi mang tấm bằng tốt nghiệp THCS về khoe với gia đình thì bố mẹ hỏi luôn: “Bằng tốt nghiệp ấy có thay được bằng tiếng Hàn không?”.
Thầy Nguyễn Văn Huấn, Hiệu phó, giáo viên dạy Văn của trường nhiều năm nay, kể: Suốt thời gian thầy dạy ở đây, chưa khi nào gặp một ánh mắt thân thiện của học sinh với mình.
Có hôm, thầy đang say sưa giảng ở bục giảng thì ở phía cuối lớp bỗng có tiếng nói vẳng lên: “Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”. Câu nói đó cứ xoáy vào lòng khiến thầy day dứt mãi.
“Sau hôm đó, tôi không tìm em học sinh đã nói câu đó nhưng quyết định dành một buổi để nói về tri thức và đồng tiền. Các em có vẻ đã hiểu khác đi nhiều, ánh mắt các em dành cho chúng tôi đã khác đi đôi phần nhưng đó vẫn là kỷ niệm đáng nhớ và đáng buồn nhất trong cuộc đời dạy học của mình” - thầy Huấn kể.
Còn những học sinh bất kính với thầy cô giáo, thậm chí vác cả dao đến… gặp thầy cũng không hiếm. Không ít phụ huynh và học sinh đã hỏi thẳng thầy giáo: “Em phải đưa thầy bao nhiêu tiền để cho em một cái bằng tốt nghiệp THCS?”. Thay vì học để thành người, nhiều học sinh chỉ cần tấm bằng cấp II rồi đi nước ngoài kiếm tiền.
Không thống kê chính thức, nhưng theo các thầy cô giáo, 100% học sinh cá biệt ở trường đều có bố, mẹ, hoặc cả hai bố mẹ đang ở nước ngoài.
Những ngôi nhà thiếu bóng mẹ, cha
Câu chuyện của chúng tôi tại phòng của thầy Hiệu trưởng bị xen ngang khi có người đàn ông trung niên mặc chiếc quần lửng loang lổ, áo phông xộc xệch láo liên trước cửa: “Cho em gặp thầy một chút ạ?”. “Có việc gì không?”. “Dạ, em xin học lại cho cháu…”.
Thầy Huấn quay sang tôi: “Anh ta có con học hai năm lớp 6 rồi, vợ đi nước ngoài gửi tiền về xây nhà, cửa, mua xe cộ đàng hoàng lắm nhưng con không chịu học. Vừa rồi bố thấy thương con lại mua cho con một chiếc máy vi tính xịn, nối mạng để rồi suốt ngày cháu chúi mũi vào internet. Mà nhà trường cũng chỉ cho đúp nốt năm nay chứ theo quy chế không đúp được năm nữa. Khổ, nhiều tiền mà làm gì…”.
Ngồi trước mặt chúng tôi, Hoàng Văn L. 13 tuổi (thôn Thanh Dã 2) mân mê vạt áo nhàu nhĩ. L. trả lời cộc lốc, trống không.
Em cho biết: Bố mẹ em đi làm việc tại Đài Loan đã được 3 năm nay, gửi tiền về xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Hai anh em của L. ở trong ngôi nhà đó, được người bác đến chăm nom. Bố mẹ L. cũng chưa về thăm con lần nào suốt 3 năm qua.
Năm học vừa rồi, điểm trung bình học tập của L. được 5.0, vẫn khá hơn người anh của mình vừa đúp một năm, đang học cùng khóa với L. Tôi hỏi: “Cháu có nhớ bố mẹ không?”. Đôi mắt L. ngân ngấn nước…
Hai anh em Nguyễn Văn T. ở thôn Thanh Dã 1, bố mất sớm, mẹ em đi đảo Síp đã 5 năm. Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, lạnh lẽo, đồ đạc ngổn ngang. Bà của em là Nguyễn Thị Nuôi không nhớ rõ mình đã 91 hay 92 tuổi, nằm liệt giường. Sau buổi học về nhà, anh em T. thay nhau nấu cơm và cho bà ăn.
Bà Nuôi nghẹn ngào: “Mẹ bọn trẻ gửi về mỗi tháng 2 triệu đồng để đóng học và ăn uống. Thân già này phải cậy vào hai đứa trẻ. Nhưng chúng nó có lớn mà chưa có khôn, chả chịu học hành, đánh nhau suốt ngày. Nhìn chúng nó đánh nhau, chửi nhau chẳng khác gì lũ đầu trộm, đuôi cướp, nằm trên giường không làm gì được nhưng lòng tôi đau thắt”.