Thật như đùa: Muốn ra biển phải trèo qua núi bùn

TP - Hơn 1km bãi biển với bãi cát vàng óng ả chạy dọc xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đang bị người ta “bức tử” bằng cách đổ hàng trăm nghìn mét khối bùn thải từ dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Ròn.
Núi bùn đất chỉ cách mép nước chừng 10m

Bức tử bãi biển bằng bùn thải

Người dân ở hai thôn bãi ngang Phú Xuân, Nam Lãnh của xã Quảng Phú cho biết: Trước đây, bãi biển chạy dọc hai thôn này thu hút khá đông du khách đến tắm và thưởng thức hải sản tươi sống do người dân đánh bắt ngay cạnh bờ, tuy nhiên, khi Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Ròn bắt đầu khởi động, mỗi ngày, hàng chục xe tải nặng chở đầy bùn đất nhão nhoẹt nối đuôi nhau ào ào đổ xuống bãi biển này. 

Người dân ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, thì những núi bùn thải cứ thế cao dần, ngày càng dài hơn chạy dọc bờ biển, lấp đầy những bãi cát vàng. Dân hỏi chính quyền, chính quyền cũng ngơ ngác không kém, buộc người dân phải làm cái việc bất đắc dĩ, đứng ra ngăn chặn việc làm thiếu lương tâm này.

Ông Lê Nhớ Thương, trưởng thôn Nam Lãnh cho biết: “Họ đổ bùn thải này từ đầu năm 2013. Bắt đầu từ bãi biển thôn Phú Xuân, họ đổ dần ra và nay là đến thôn Nam Lãnh. Dân thấy trái khoáy nên đã tập trung phản ứng, ngăn chặn việc đổ đất của các nhà thầu”. 

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, bờ biển hình vòng cung chạy dọc xã Quảng Phú đã bị những núi bùn chắn hết lối ra. Thi thoảng vẫn bắt gặp những đống bùn còn tươi mới, dấu hiệu của việc đổ trộm sau khi bị người dân phản ứng. Chiều dài của bãi thải chừng hơn 1km, rộng 50m, cao từ 5m đến 7m, có nơi núi bùn chỉ cách mép nước biển chưa đến 10m.

Cơ quan chức năng đổ lỗi, dân lãnh đủ

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT Quảng Bình khẳng định: Bờ biển của thôn Phú Xuân là bãi thải của dự án, được sự thống nhất từ thôn, xã, huyện, tỉnh và được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép và có đánh giá tác động môi trường hẳn hoi. Các nhà thầu đổ bùn thải từ âu thuyền này là đúng địa điểm quy định chứ hoàn toàn không có việc đổ trộm như dân nói. 

 Xe tải nặng chở bùn đất đang tàn phá đường làng và gây ô nhiễm 
môi trường

Tuy nhiên, ông Hải đã không thể tìm thấy một quyết định nào của UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép cho bãi thải, cũng như đánh giá tác động môi trường đối với bãi thải này. 

Văn bản mà duy nhất ông có là biên bản làm việc tìm bãi thải giữa Ban QLDA và lãnh đạo xã Quảng Phú, kèm theo sơ đồ bãi thải ở bãi biển với chiều dài 600m, rộng 30m, thuộc thôn Phú Xuân. Trong lúc đó, ông Võ Thanh Xuân, Chủ tịch xã Quảng Phú và ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch huyện Quảng Trạch đều khẳng định là không hề có văn bản nào đồng ý, cũng như không hề biết về sự việc này.   

Trong lúc các cơ quan chức năng đổ lỗi cho nhau thì người dân đang phải gánh hậu quả mà bãi thải này gây ra. Mùi tanh, rồi bụi của bùn đất theo gió ngày đêm trùm lên làng xóm. Vì nằm quá gần mép nước, mỗi khi mưa xuống, bùn đất theo đó mà trôi ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Những người dân đánh bắt cá gần bờ cho biết, lượng hải sản giảm rõ rệt kể từ khi bãi thải này xuất hiện. Rồi các hộ dân làm muối cạnh âu thuyền đã không bán được sản phẩm mình làm ra, vì muối phủ đầy bụi...

Theo người dân thì bùn thải trôi xuống biển, theo triều lên lấp cạn cửa Ròn khiến tàu thuyền của ngư dân vào ra khó khăn do mắc cạn. Ngư dân Nguyễn Ngọc Phú ở xã Cảnh Dương cho biết: “Trước đây thi thoảng mới bị mắc cạn nhưng từ khi có bãi thải ni, bùn đất trôi xuống biển, theo triều lên làm cạn đáy sông, thì thuyền chúng tôi thường xuyên bị mắc cạn. Đã có thuyền bị sóng đánh vỡ do mắc cạn, còn gãy chân vịt thì thường xuyên xảy ra”.

Ngoài ra, đường nối từ âu thuyền ra bãi thải chỉ có trọng tải 13 tấn, nhưng để tiết kiệm chi phí, các nhà thầu đã dùng loại xe hàng chục tấn để vận chuyển khiến đường sá xuống cấp, bụi bay mù ngày nắng, nhão nhoẹt vào ngày mưa.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Phú ở xã Cảnh Dương cho biết: “Trước đây thi thoảng mới bị mắc cạn nhưng từ khi có bãi thải ni, bùn đất trôi xuống biển, theo triều lên làm cạn đáy sông, thì thuyền chúng tôi thường xuyên bị mắc cạn. Đã có thuyền bị sóng đánh vỡ do mắc cạn, còn gãy chân vịt thì thường xuyên xảy ra”.