Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (sáng 23/5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý Chính phủ về việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ. Theo cơ quan thẩm tra, tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm chỉ đạt 16,36%; có tới 17 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Đồng thời, Chính phủ cần báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch; việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân đầu tư công và ảnh hưởng đến chi phí đầu tư công.
Về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản, cơ quan thẩm tra cảnh báo có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. “Trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Thanh cũng chỉ ra những rủi ro khi thị trường TPDN tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao và mất cân đối. Năm 2021, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 637 nghìn tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm tới 95%. Tỷ lệ TPDN không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản rủi ro cao như cổ phiếu chưa niêm yết, dự án, tài sản hình thành trong tương lai còn lớn, ảnh hưởng tới sự an toàn của thị trường.
Theo báo cáo, trong năm 2022, khối lượng TPDN đáo hạn vào khoảng 145,5 nghìn tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn chiếm 20,2%, vì vậy, cần phải làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, Ủy ban Kinh tế đề nghị tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ lưu ý tới vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá để trục lợi.