> 5 chủ đề tuyệt đối không nên kể với đồng nghiệp
Một ngôi làng bình yên với tên gọi mới nghe đã gợi nhắc về một loài chim: thôn Bồ Nâu, xã Thanh Văn, H.Thanh Oai, Hà Nội. Giữa cánh đồng làng là trang trại của Công “chim trời” - biệt danh người dân nơi đây thường gọi Hoàng Văn Công.
Căn nhà đắp đất trong trang trại của Công được bài trí khá đặc biệt, chỗ nào cũng mang dấu ấn của chim. Bên ngoài là những lồng chim, bên trong thì lông chim công, trĩ được để cạnh bàn uống nước, rồi những lá cờ lưu niệm trong các lần đi thi chim cũng được Công treo trang trọng.
Vay tiền nuôi chim trời
Tuy đã là ông chủ nhưng Công “chim trời” vẫn giữ một cung cách một anh nông dân. Công kể trước đây gia đình ở quê cũng khó khăn lắm, phải bỏ học từ sớm lên thành phố làm nghề hút bùn, móc cống. Trong những lần đây đó khắp Hà Nội, nhiều lúc anh gặp những người đèo các lồng chim đi bán rong. Vốn thích chơi chim từ ngày còn để chỏm, Hoàng Văn Công bỗng lóe lên một ý tưởng mưu sinh. Năm 2003, anh trở lại quê nhà vay mượn tiền của gia đình, họ hàng và cả ngân hàng để bắt đầu mua chim về nuôi thử. Khi ấy, nhà anh ở trong xóm chỗ nào cũng được tận dụng để nuôi chim.
Không chỉ nuôi chim để bán, anh còn nhận nuôi hộ bạn bè, một trong số đó là những con chim của diễn viên Trung Hiếu. Công nhớ lại: “Trung Hiếu cũng đam mê chơi chim lắm, nhưng vì nhà cậu ấy ở nội thành Hà Nội chật chội nên không thể thỏa được sở thích. Biết nhà tôi ở vùng quê thanh bình, rộng rãi nên đã nhờ nuôi hộ một số loại chim. Chúng tôi cùng tuổi, cùng sở thích nên coi nhau như anh em, bạn tri kỷ cùng yêu chim trời”.
Những ngày đầu nuôi chim trời, chuyện đáng nhớ nhất là việc đỡ đẻ cho đôi cu gáy. Công kể: “Đôi trứng chim đầu tiên ra đời ở ngôi nhà cũ trong xóm khiến tôi ngỡ ngàng. Đến một ngày thấy chim mái cứ dụi đầu xuống ổ liên tục, vừa mở lồng thò tay vào định kiểm tra thì bị cu gáy đực mổ cho tóe máu. Đôi chim thường ngày hiền là thế, nhưng hôm ấy bỗng trở thành ác điểu, chim mái cứ nằm trong ổ ngóc đầu lên gừ gừ dữ tợn, phụ họa cho chồng xù lông cánh lên đe dọa. Quên cả nỗi đau, tôi như muốn hét lên vì vui mừng, cặp trứng như bạch ngọc hôm nào đã nở thành đôi cu gáy, 1 trống 1 mái”. Suốt 20 ngày sau đó, Công bám rễ ở cái lồng có gia đình chim bé nhỏ xem chim bố nhổ lông sữa, bón mồi cho con.
Rồi những cặp chim con cu sen, ngói, gáy ta và cả những loài như cuốc, le le, công, trĩ, bồ câu, thay nhau ra đời trong những chiếc lồng nuôi ở nhà Công. Công được cái mát tay chọn và tuyển cu gáy. Có lần anh đã luyện được cho con chim cu gáy hót 7 thứ tiếng (chuỗi gù 7 âm).
Sẵn sàng chia sẻ bí quyết
Chim không thể sống trong khu nhà chật chội ở trong xóm mãi được, Công ý thức được như vậy nên quyết định thuê đất giữa cánh đồng làng để lập trang trại nuôi chim trời. Đây chính là khu “bảo tồn thiên nhiên các giống chim trời độc đáo” và là niềm ước mơ cả đời Công.
Được đích thân ông chủ dẫn đi tham quan khu nuôi chim trời, chúng tôi thấy từng đàn vịt trời đang tung tăng bơi lội dưới ao, chốc chốc lại vỗ cánh phành phạch bay qua hàng rào đi kiếm ăn. Chúng tôi thắc mắc: “Vịt bay đi thế có bị mất không?”. Công cười to rồi đáp: “Kệ thôi, không thể mất được. Chúng quen nơi sinh sống rồi, cứ sáng bay đi tối lại quay về. Tất nhiên, nếu bị những tay súng bắn trộm thì mất”.
Đông đảo nhất trong khu bảo tồn chim trời nhà Công là đàn bồ câu và chim cu gáy. Số lượng những loài chim này hiện lên đến 7.000 - 8.000 con. Công cũng rất thành công khi lai tạo, thuần hóa giống bồ câu Pháp với bồ câu Việt để cho ra giống mới có sức đề kháng tốt và bề ngoài đẹp hơn.
Đan xen giữa những khu bồ câu, cu gáy là các chuồng nuôi công, trĩ đủ màu sắc sặc sỡ. Bên cạnh đó là đàn cuốc cũng lên tới cả nghìn con. Nói về cách nuôi chim trời, Công tâm sự: “Không như gà, ngan hay vịt nhà, chim trời, vịt trời, gà rừng có cách sinh sản tự nhiên, nở cũng tự nhiên, ấp cũng theo tự nhiên. Nuôi chúng trong lồng cuồng cánh, nhiều lúc giẫm đạp lên nhau mà chết. Chính vì thế không thể áp dụng cách ấp công nghiệp được, tất cả đều phải làm thủ công hết”.
Thành công đầu tiên của Công là chim cu gáy, loại đang rất được ưa chuộng trên thị trường. Cặp chim đẹp 1 tháng tuổi có thể bán cả triệu đồng. Chúng tôi hỏi tại sao giống chim này lại có giá cao vậy, Công cho biết: “Hiện ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang có những câu lạc bộ chơi chim cu gáy. Giá của chim cu gáy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà chỉ dân chơi chuyên nghiệp mới hiểu. Ví dụ, giá tiền thấp hay cao phụ thuộc vào tiếng gáy, màu lông...”.
Tạ Minh Cường, còn có biệt danh Cường “đồ cổ”, một người chơi chim và là khách hàng thường xuyên của Công, khoe: “Mình đã mua ở nhà Công gần hai chục con cu gáy, con cao nhất lên đến 13 triệu đồng và rẻ nhất cũng 6 triệu đồng. Nhưng đây chưa phải là cao bởi hiện nay trên thị trường có những con cu gáy trắng được dân chơi chuyên nghiệp định giá đến 200 triệu”.
Món lợi nhìn thấy, nhưng cu gáy không ấp nhân tạo được, mà ấp tự nhiên thì hỏng 50-60% là chuyện thường. Công bèn mượn cu gáy Pháp ấp và cho tỷ lệ nở cao gấp đôi. 10 năm nuôi chim trời, Công đã đúc kết ra hẳn 1 tập giấy ghi kỹ thuật nuôi các loại chim một cách khoa học. Anh nói sẵn sàng chia sẻ nó với bất kỳ ai muốn làm giàu từ nuôi chim trời hoặc người có lòng đam mê với chim cò.
Nghề chơi lắm công phu
Hoàng Văn Công cho biết chỉ riêng chuyện lo thức ăn cho chim trời mỗi tháng cũng ngốn 30 triệu đồng. Riêng món châu chấu, anh phải mua giá 200.000 - 300.000 đồng/kg về cho chim ăn. Rồi dế cũng phải mua loại không bị phun thuốc chống ruồi. Rau, cỏ, bèo mỗi ngày vài tạ cũng đều phải chọn loại rau dại tự nhiên để “không bị phun thuốc trừ sâu”...
Việc phòng dịch cho đàn chim trời cả chục nghìn con cũng rất phức tạp. Chẳng cần đến khi đài báo đưa tin về dịch H5N1 hay H7N9 mà cả gia đình Công luôn có ý thức phòng chống dịch quanh năm. Hằng tuần Công và vợ phun thuốc phòng dịch cho khắp cả khu trang trại… Tuy nhiên, chuyện xin giấy phép cho trang trại nuôi chim trời mới thật vất vả.
Công kể, suốt cả năm trời anh phải đi lại tới Chi cục Kiểm lâm TP.Hà Nội để xin giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản động vật hoang dã. Sau rất nhiều lần Chi cục Kiểm lâm xuống kiểm tra, đến tháng 2/2013 Công mới được cấp phép. “Mình chưa thấy nơi đâu ở miền Bắc nuôi nhiều chim hoang dã như của gia đình mình, với số lượng lớn và nhiều chủng loại nên cơ quan chức năng cũng ngại cấp phép, thành ra họ phải đi kiểm tra nhiều lần và lâu đến thế”, Hoàng Văn Công tâm sự.
Theo Thanh Niên