Thanh tra các Sở đều có đường dây nóng

TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thanh tra tất cả các Sở GD&ĐT đều phải thành lập đường dây nóng và cử cán bộ có trách nhiệm, có năng lực trực tiếp nhận thông tin, phối hợp với các lực lượng liên quan xử lý kịp thời.
Ảnh minh họa

Ông Bằng nói:

Để chuẩn bị cho kỳ thi, Thanh tra Bộ đã có văn bản chỉ đạo các Sở tổ chức thanh tra ở tất cả các khâu chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi… Quy chế thi tốt nghiệp năm nay có một số điểm mới nên khi chuẩn bị thi, một mặt các đầu việc cũng giống mọi năm, một mặt chúng tôi chỉ đạo thanh tra kỹ hơn việc kết thúc năm học bảo đảm chương trình, đánh giá, cho điểm, việc thành lập các hội đồng thi… bên cạnh thanh tra các điều kiện đảm bảo thi.

Về cách thức làm thì vẫn như mọi năm, các Sở tổ chức các đoàn thanh tra lưu động, bên cạnh các đoàn thanh tra cắm chốt tại các hội đồng thi. Trên cơ sở việc triển khai năm ngoái của Bộ, năm nay chúng tôi chỉ đạo tổ chức các đường dây nóng tại thanh tra các Sở.

Tất nhiên việc này một số nơi chưa làm bao giờ nên bước đầu còn có những lúng túng. Tinh thần chỉ đạo là phải làm nghiêm túc, đã đặt là phải bố trí người có trách nhiệm theo dõi tiếp nhận thông tin nhiều chiều, không chỉ là các vi phạm mà còn là một số vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý, để kịp thời giúp cho ban chỉ đạo các cấp làm tốt. Cần làm theo đúng tinh thần “thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới” để góp phần làm cho kỳ thi nghiêm túc, an toàn.

Theo xu hướng tăng cường thanh tra quản lý thì lực lượng thanh tra thi năm nay có được rút mỏng đi so với mọi năm không, thưa ông?

“Không chỉ yêu cầu các Sở mà các đoàn thanh tra của Bộ cũng sẽ nghiêm túc thực hiện thanh tra không báo trước”.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng

Không mỏng đi, tất cả các hội đồng thi đều phải có thanh tra. Thanh tra không đặt vấn đề kiểm soát từng thí sinh mà là kiểm soát hội đồng thi.

Bộ chỉ đạo thế này, thanh tra là do Giám đốc Sở hoặc Chánh Thanh tra quyết định triệu tập, giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra chứ họ không phải là thành phần của hội đồng thi.

Như vậy, lực lượng thanh tra tại một hội đồng thi, nhiều hay ít còn tùy vào quy mô hội đồng, làm việc tương đối độc lập với hội đồng. Họ giám sát hoạt động của cả một hội đồng từ chủ tịch trở xuống chứ không phải là thành viên để cho ông chủ tịch hội đồng phân công làm cái nọ làm cái kia.

Trong một văn bản gần đây về công tác thanh tra, ông yêu cầu các Sở “chỉ đạo các đoàn thanh tra lưu động thực hiện thanh tra không báo trước tại các hội đồng coi thi”. Có thể hiểu “thanh tra không báo trước” như thế nào, thưa ông?

Thanh tra không báo trước là một yêu cầu không mới, năm ngoái đã chỉ đạo làm rồi nhưng chưa được như Bộ mong muốn. Năm nay chúng tôi yêu cầu các Sở chấn chỉnh để thực hiện triệt để. Trong một địa phương có nhiều hội đồng thi khác nhau, việc đến một hội đồng thi nào là do đoàn thanh tra quyết định, không theo gợi ý từ những ai không có chức trách thanh tra, việc đến thanh tra đột xuất nhằm nhìn nhận vấn đề một cách khách quan.

Không chỉ yêu cầu các Sở mà các đoàn thanh tra của Bộ cũng sẽ nghiêm túc thực hiện thanh tra không báo trước. Đoàn đến Sở lấy danh sách hội đồng, sơ đồ tuyến đường đi.

Trong những tình huống nhất định, có thể Bộ cần cán bộ của Sở dẫn đường nhưng cần tránh việc gọi điện báo trước cho hội đồng mà thanh tra đang trên đường đến. Vấn đề không phải vì nghi ngờ, không tin cơ sở, nhưng trong quản lý thì phải tuân thủ các nguyên tắc đã được đặt ra thì mới đảm bảo sự khách quan.

Cảm ơn ông!

Số điện thoại trực thi tốt nghiệp của thanh tra Bộ : 0936 315 334, 0436 231 285, 0438 683 759; Cơ quan đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TPHCM : 0917 467 467; 0838 290 396