Sáng 27/7, tại Cần Thơ, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị thanh tra chuyên ngành KH&CN toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, quản lý nhà nước về KH&CN phạm vi quản lý rộng, chuyên ngành phức tạp, có tính chuyên môn sâu, bao gồm các lĩnh vực: tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn bức xạ và hạt nhân; hoạt động nghiên cứu khoa học...
Đây là các lĩnh vực tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó đặt ra nhiều yêu cầu khó khăn hơn, thách thức hơn đối với hoạt động thanh tra trong lĩnh vực KH&CN.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, hoạt động thanh tra chuyên ngành đã góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa; bảo đảm an toàn sức khỏe, an ninh nguồn phóng xạ, hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Như Quỳnh - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN thông tin: Năm 2022, Thanh tra ngành KH&CN đã triển khai thanh tra, kiểm tra đối với 6.080 cơ sở (thanh tra hành chính 20 cơ sở và kiểm tra chuyên ngành 6.060 cơ sở).
Lĩnh vực thanh tra, kiểm tra gồm: tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; sở hữu công nghiệp; an toàn bức xạ; thực hiện nhiệm vụ, đề tài, dự án KH&CN…
Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) 309 cơ sở với tổng số tiền 7,8 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 73 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã triển khai thanh tra, kiểm tra đối với 3.057 cơ sở. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 163 cơ sở với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính là 19 triệu đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 45 triệu đồng.
Về công tác phòng chống tham nhũng, Bộ KH&CN đã thực hiện thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, chưa phát hiện vi phạm có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Sở KH&CN các địa phương cũng chưa phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ KH&CN, công tác này còn một số vướng mắc, trong đó, việc xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là vấn đề mới, phức tạp và các cơ quan thanh tra chưa có kinh nghiệm xử lý...
Đề xuất duy trì Thanh tra Sở KH&CN
Theo Sở KH&CN Cần Thơ, xuất phát từ thực tế phạm vi quản lý nhà nước về lĩnh vực KH&CN khá rộng, hoạt động mang tính đặc thù, tính chuyên môn kỹ thuật cao nên đề nghị Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, đề xuất tiếp tục duy trì tổ chức Thanh tra Sở KH&CN để đảm bảo, phù hợp theo quy định tại một số văn bản luật.
Đồng thời, đề nghị Thanh tra Bộ tiếp tục rà soát, tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn về tổ chức, hoạt động và quy trình thực hiện thanh tra chuyên ngành về KH&CN phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2022, các nghị định hướng dẫn và đặc thù của hoạt động thanh tra chuyên ngành KH&CN…