Thành công đâu chỉ có nơi phố thị

TPO – Kiếm được một công việc trong cơ quan nhà nước, ở lại thành phố mới là thành đạt. Còn nếu trở về địa phương công tác, làm việc ở cơ quan ngoài nhà nước là chệch hướng. Quan điểm đó liệu đã đúng?

>Thành triệu phú từ nuôi cá sấu
>Nhìn lại việc Đoàn “cởi trói” cho thanh niên

Anh Lò Quang Tú - Phó trưởng Ban Tổ chức TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (ngồi giữa; PGS,TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc nghiên cứu Dư luận xã hội, Viện xã hội học Việt Nam (bên phải) đang trả lời câu hỏi giao lưu với các bạn sinh viên.

Ngày 7-6, tại trường Đại học Nông nghiệp diễn ra chương trình giao lưu Lập nghiệp trên quê hương do Báo Sinh viên Việt Nam và tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam tổ chức.

Đông đảo sinh viên có thời gian giao lưu, sẻ chia về kinh nghiệm, cơ hội lập nghiệp trên quê hương với anh Lò Quang Tú – Phó trưởng ban tổ chức, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; PGS, TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Nghiên cứu Dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Cty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương 5; anh Nông Văn Đông – Phó ban quản lý Chương trình Phát triển huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.

Tại buổi giao lưu, các vị khách mời có chung nhận xét là nhiều bạn trẻ chưa thực sự định hình được thế nào là thành công trong cuộc sống.

“Nhiều bạn sinh sau khi tốt nghiệp chấp nhận ở lại thành phố làm những công việc không đứng với chuyên môn đào tạo, trong khi ở địa phương – nơi các bạn sinh ra và lớn lên – lại đang rất cần chuyên môn của các bạn. Đây là một sự lãng phí rất lớn cho xã hội và cho chính bản thân các bạn tân cử nhân” – Nhà báo Nguyễn Huy Lộc, Tổng biên tập Báo Sinh viên Việt Nam chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của nhà báo Nguyễn Huy Lộc, TS Nguyễn Thị Hương chia sẻ thêm, nhiều bạn sinh viên và không ít phụ huynh còn cho rằng, có được công việc trong cơ quan nhà nước, ở lại thành phố mới là thành công. Công tác ở địa phương, làm ngoài nhà nước là chưa đúng hướng.

TS Nguyễn Thị Hương cho rằng, nên có tuyên truyền định hướng cho các bạn trẻ trong lập thân, lập nghiệp nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa trong các trường đại học.

“Thành công là phát huy được chuyên môn mình có, phát huy được những kỹ năng của bản thân. Cộng với những điều kiện khác nữa để từ đó mình thành công trong công việc”.

Thành công trong công việc được đánh giá ở hiệu quả, từ đó mình trước hết phải làm giàu cho bản thân mình.

Thứ hai là góp phần xóa đói giảm nghèo cho những người xung quanh mình. Đó có thể là họ hàng anh em, hàng xóm…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương (giữa) và anh Nông Văn Đông (phải) giao lưu với các bạn sinh viên.

Cơ hội lập thân, lập nghiệp

TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, không nhất thiết ở thành phố - nơi có sức ép về vòng quay thải hồi, nhảy việc mà hẳn nhiều người không trụ lại được. Về nông thôn cũng không có nghĩa là làm nông nghiệp; cũng như học khoa học nông nghiệp không nhất thiết phải làm những công việc của nghề nông.

Anh Lò Quang Tú cho biết, các bạn sinh viên thanh niên có rất nhiều cơ hội để lập thân, lập nghiệp thành công trên quê hương. Những người ưu tú có thể thử sức mình trong cương vị của người lãnh đạo với Dự án đưa tri thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã; hay trước đó là dự án đưa tri thức trẻ tham gia phát triển nông thôn miền núi…

Không chỉ khi ra trường, mà ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, các bạn sinh viên cũng đã có cơ hội để khẳng định mình với sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, tổ chức Hội. Tiêu biểu có dự án Làng thanh niên lập nghiệp, cuộc vận động 5 tốt; Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Hỗ trợ vay tin dụng…

Các bạn trẻ luôn có những ước mơ, hoài bảo, lý tưởng riêng của mình. Các nguyện vọng chính đáng luôn được trân trọng. Ở đâu chúng ta có thể cống hiến, góp phần làm giàu cho quê hương đất nước đều đáng được tôn vinh. Chúng ta lập nghiệp bằng bàn tay khối óc, trái tim. Mọi con đường đi đến thành công.

Các bạn trẻ luôn có cơ hội thành công ngay chính trên quê hương mình.

Nữ giới khẳng định bản thân

Trong buổi tọa đàm, không ít bạn trẻ thắc mắc, băn khoăn rằng, trong nhiều ngành nghề vẫn ưu tiên tuyển trai, thậm chí có những nơi không tuyển nữ. Vậy thì làm sao để khẳng định mình?

Trước câu hỏi này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương khẳng định với các bạn sinh viên rằng, hãy tự tin. Đừng bao giờ tự ti minh là con gái. Hãy tự chứng minh là không thua kém các bạn nam trong các hoạt động. Hãy mạnh dạn phát biểu, nhiệt tình tham gia các hoạt động.

Đối với những nơi không nhận, hãy tự tin mạnh dạn đề nghị cho mình một cơ hội để thể hiện bản thân. “Hãy cho tôi một cơ hội, tôi sẽ chứng minh không thua kém các bạn nam”.

Theo Viết