Bà xã anh đang muốn nói tới thời của những bài báo “sốc, sex, lộ hàng” đang nhan nhản khắp nơi. Chị kết luận: thông tin nhảm nhí đang giết dần thế hệ trẻ bằng những thứ rác rưởi, hạ cấp của mình. Nhưng vấn đề là sao không có ai lên tiếng?
Anh bạn nhà báo, một người làm nghề tôi cho là tử tế, chỉ còn biết cười trừ. Trong thời buổi của mạng thông tin toàn cầu, thời của cái tôi cá nhân được tôn sùng đến mức quá đà, nở rộ và len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, anh bảo chỉ biết dùng hết khả năng trang bị cho con những “bộ cẩm nang” để chúng có thể “sống sót” trong thế giới ảo hỗn mang. Nơi mà người ta, vì miếng cơm manh áo, vì sự tồn tại đã bất chấp những giá trị, chuẩn mực của đạo đức để nhân danh quyền được biết của đám đông mà lia máy ảnh, chọc ngòi bút vào bất cứ chỗ nào, kể cả chỗ nhạy cảm, riêng tư mà bất cứ người nào cũng có quyền bảo vệ.
Trẻ không tha, già không thương, cả người nổi tiếng lẫn những cái tên chẳng biết ai với ai, chỉ cần đảm bảo “sốc”, “sex” , dù rất sống sượng nhưng cứ câu được pageview là làm.
Trong thời buổi báo mạng lắm trò khiêu dâm ấy, sự tự trọng, tính liêm sỉ của xã hội bị xói mòn và có thể nói đã dần kích thích hình thành những con người với khả năng không cần biết có thứ trạng thái tình cảm gọi là “xấu hổ” tồn tại.
Thay vì bị báo chí nhảm nhí khai thác, họ chủ động làm đủ loại hành vi trơ trẽn, điên rồ, kỳ quái, miễn là được nổi tiếng: tự “hé lộ” ảnh hở hang, tự phát tán clip phòng the, sáng tác và hát những “ca khúc” thuộc dạng “ngồi xổm lên âm nhạc”, xé quần áo bạn, đánh hội đồng..., chỉ cần “em được mọi người biết tới” là thành công rồi.
Những bài báo như vậy xuất hiện ngày càng nhiều khiến công chúng có quyền đặt câu hỏi về tư cách đạo đức của giới truyền thông và điều này cũng là sự trăn trở của những người làm báo chân chính.
Tuy vậy, chiến lược phát triển dựa trên yếu tố lá cải hóa có thể nói là không có lối thoát, vì cuộc đua lá cải sẽ khó mà ngã ngũ (do dễ làm) và kết cục nếu tiếp tục đua tờ báo sẽ biến thành một trang web đen không hơn không kém.
Trong khi đó, yếu tố kinh doanh, lợi nhuận chưa chắc đã đạt được. Trong một bài báo gần đây, tác giả Nguyễn Vạn Phú cho rằng, các doanh nghiệp lớn “không bao giờ đưa ra quyết định quảng cáo chỉ dựa vào tiêu chí số lượng người đọc, “không muốn quảng cáo của mình xuất hiện cạnh các tin bài kiểu “lộ hàng”, “clip sex”. Họ sẽ đòi được biết người đọc là ai, sức mua như thế nào, xu hướng mua sắm ra sao, tin tức thỏa mãn nhu cầu gì ở họ và nhu cầu này gắn với sản phẩm muốn được quảng cáo như thế nào.
Giám đốc một công ty quảng cáo khá nổi tiếng tại TPHCM được trích lời, cho rằng các tin, bài giải trí luôn thu hút nhiều lượng truy cập, nhưng không giúp người đọc bấm vào các banner quảng cáo, trong khi đó các tin gắn với lợi ích của độc giả như tình trạng thất nghiệp, thực phẩm tăng giá, xe bị thu hồi… lại luôn đứng đầu bảng về bấm quảng cáo.
Vậy các trang tin lá cải sẽ tồn tại vì cái gì, để được cái gì?