Teen chết ngượng nghe bố mẹ gọi… 'Cún cưng'
Không ít lần Diện chết ngượng khi nghe mẹ gọi tên ở nhà của mình ngay nơi đông người với vẻ cưng chiều đối với đứa trẻ lên ba. Bạn bè biết được, cũng gọi cậu là… “Cún cưng”
Ngượng vì tên gọi ở nhà
Diện, học sinh THCS là cậu út trong gia đình có 3 người chị gái nên từ nhỏ đã được ông bà nội ngoại và bố mẹ cưng chiều. Để thỏa lòng cưng nựng “cục vàng”, ở nhà mọi người còn gọi Diện là “Cún cưng” trở thành tên gọi gắn bó với cậu.
Khi còn nhỏ, Diện đã không thích cái tên này nhưng cho đến gần đây, cậu học trò mới lớn này thực sự thấy khó chịu khi nghe gọi “Cún cưng” thay cho tên chính thức là Nguyễn Minh Diện.
Mỗi lúc khi đưa đón con đến trường, dù có thầy cô và bạn bè, mẹ Diện vẫn một “Cún cưng”, hai “Cún cưng” của mẹ… làm cậu mặt đỏ tía tai. Nhất là trong lần phụ huynh, người mẹ đứng dậy phát biểu còn nhắc “thằng Cún cưng nhà tôi”… làm tất cả phụ huynh và các bạn cười ồ lên.
“Từ đó, tất cả bạn bè trong lớp quên hẳn tên thật của mình mà thay vào đó là tên “Cún cưng” ở nhà được mang tới lớp làm mình xấu hổ và mất tự tin vô cùng”, Diện chia sẻ.
Chẳng những khổ sở vì tên gọi “Cơm thối” ở nhà, Minh Luân, học sinh lớp 10 ở TP.HCM còn rất ngượng ngùng vì cách cư xử của bố mẹ đối với mình. Những lúc ở nhà bố mẹ cưng nựng quá mức cậu đã khó chịu thì khi ở ngoài điều này còn làm cậu bị ức chế khi một ngày bố mẹ cưng nựng hàng trăm lần “cơm thối của bố mẹ ơi".
“Lúc nào cũng vậy, đưa mình tới trường là mẹ đưa nước, đồ ăn đút tận miệng rồi nựng, đòi thơm má “Cơm thối” của mẹ ăn ngoan nào” , bạn bè nghe chỉ biết le lưỡi. Vì tên gọi rồi cách chăm sóc của bố mẹ mà mình thấy mình cứ như con nít chứ không phải là chàng trai đã 16 tuổi”, Luân khổ sở.
Diệu Anh, 16 tuổi cho biết cô đã từng không dám đến lớp mấy ngày liền khi một lần gia đình có việc đột xuất, bố cô đến lớp xin phép gặp… “Ỉn ỉn”, cái tên bí mật ở nhà mà Anh không muốn ai biết đến. Sau hôm đó đến bạn bè lớp bên cạnh cũng gọi Diệu Anh là “ỉn” làm cô nữ sinh xấu hổ vô cùng. Đến bây giờ, một số bạn bè thân không gọi tên ở nhà của Anh nhưng lâu lâu cô vẫn đỏ mặt nghe ai đó gọi “ỉn” sau lưng.
Teen muốn mình là người lớn
Minh Luân cho biết nhiều lần cậu đã lên tiếng đề nghị bố mẹ không gọi tên ở nhà nhưng chỉ được một vài hôm đâu lại vào đó, bố mẹ thanh minh gọi quen rồi không sửa được, gọi tên thật không quen. Thế nên, mỗi lần bố mẹ đưa đón, Luân tìm chỗ tách hẳn mọi người để không ai nhìn thấy, nghe thấy cách nói chuyện và chăm sóc bố mẹ dành cho mình và cậu cũng rất ngại đi cũng bố mẹ. Bố mẹ cậu không hiểu mà quay sang trách con trai càng ngày càng khó gần, không gần gũi với bố mẹ.
Tên gọi ở nhà thể hiện sự thân thiết, gẫn gũi trong gia đình. Có rất nhiều tên gọi đáng yêu, ngộ nghĩnh nhưng cũng có không ít tên gọi khá “kỳ cục” được gia đình đặt mà đến độ tuổi bắt đầu lớn nhiều bạn thấy ngượng, khó chịu khi nghe đến cái tên ở nhà. Với nhiều bạn đó còn là bí mật không muốn ai biết đến…
“Mọi người cứ nghĩ tên gọi không quan trọng nhưng cái tên kỳ quá thì cũng làm mình mất tự tin đi rất nhiều. Cái tên mình rất đẹp thì không gọi, nghe kêu “ỉn” vui sao nổi nên mình chẳng thích đi đâu cùng bố mẹ. Nhưng có lẽ bố mẹ không hiểu điều này còn trách mình xa cách này nọ”, Diệu Anh nói.
Cô Đào Thị Mơ, nhà ở Q.12, TP.HCM băn khoăn lâu nay con trai rất gần gũi với mẹ, còn ôm hôn chào tạm biệt mẹ khi đến trường và rất thích được gọi là “tin tin”. Nhưng từ khi lên cấp 2, mỗi lần mẹ âu yếm, gần gũi hay nói những lời ngọt ngào cưng nựng là cháu gắt gỏng, nhăn nhó. Nhiều lúc chị gọi “tin tin” nhưng đứa con còn làm ngơ như không nghe, không quen biết mẹ mình. Chị mắng cháu, cháu cãi lại nên quan hệ mẹ con chẳng mấy vui vẻ, rất khó nói chuyện với nhau.
Bác sĩ Đặng Phi Yến (chuyên viên Sở Y tế TP.HCM) cho hay, ở tuổi dậy thì trẻ có những xáo trộn rất lớn về tâm sinh lý do sự chuyển giao từ trẻ con sang người lớn. Đặc biệt, các em muốn được đối xử như một người lớn và muốn thoát khỏi sự ràng buộc, chăm sóc quá mức từ gia đình nên dễ xảy ra xung đột với cha mẹ.
Vì thế ở giai đoạn này, phụ huynh cần hết sức khéo léo trong cách ứng xử với con, nên tránh những hành vi, lời nói chỉ xem con mình một đứa con nít mà cần thể hiện sự đồng thuận, đối xử với con như một người bạn để có tiếng nói chung.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, bố mẹ thể hiện sự cưng chiều con quá mức, luôn xem con như đứa trẻ không chỉ làm con mất tự tin mà còn dễ trở nên thiếu tự lập, sống ích kỷ, yếu đuối. Tuy nhiên, chính các bạn trẻ trong độ tuổi này cũng nên hiểu cho bố mẹ vì trong mắt phụ huynh, con luôn là một đứa trẻ nên không dễ thói quen ứng xử với con. Hãy thể hiện mình đã lớn bằng cách trao đổi, chia sẻ với bố mẹ những suy nghĩ, mong muốn của mình thay vì chỉ ấm ức, khó chịu.
Ít bạn biết rằng, tên gọi ở nhà hay những hành động âu yếm của bố mẹ ở thời điểm này có thể làm bạn ngượng ngùng nhưng đến một ngày đó bạn sẽ rất thèm được nghe tên gọi thân thiết đó.
Theo Lê Đăng Đạt
Dân trí