Ngày 21/12, tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, UBND huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) tổ chức lễ khánh thành Trường THCS Nguyễn Thị Bé.
Đến dự buổi lễ có: Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh.
Trường tọa lạc tại ấp Phước Đức A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, có diện tích rộng gần 11.000m2 với 25 phòng học và gần 21 phòng chức năng. Nhờ có sự chung tay, góp sức của các cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh, trường đã cải tạo các khối phòng học, các khối phòng hành chính, phòng chức năng, xây mới nhà thi đấu đa năng, các công trình, trang bị đầy đủ các trang thiết bị nhà truyền thống, thư viện.
Bà Trương Thị Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết - Trường THCS Nguyễn Thị Bé tiền thân là Trường THCS Phước Đông, được tách ra từ trường cấp 1, cấp 2 Phước Đông. Để tỏ lòng biết ơn các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và ghi nhận những công lao, đóng góp của các anh hùng trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần giáo dục học sinh về truyền thống lịch sử, tháng 2/2022, UBND huyện Gò Dầu ban hành quyết định đổi tên Trường THCS Phước Đông thành Trường THCS Nguyễn Thị Bé.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Gò Dầu Trương Thị Phú cho biết, Trường THCS Nguyễn Thị Bé được xây dựng trên chính mảnh đất mà gia đình nữ anh hùng đã từng ở. “Nhà trường đã đón nhận sự quan tâm, hiệp lực của các cấp lãnh đạo cùng người dân xã nhà, đặc biệt là tấm lòng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện để mang đến ngôi trường khang trang này”, bà Trương Thị Phú bày tỏ.
Tại chương trình, các vị lãnh đạo cùng các đơn vị đồng hành đã tặng 100 suất học bổng động viên các em học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Bé. Ngoài ra, nhà trường cũng nhận sổ tiết kiệm và thư viện để phục vụ quá trình học tập và giảng dạy thời gian tới.
Nữ anh hùng 29 tuổi đời, 12 tuổi quân
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Bé (1944 - 1973) còn được gọi là Bé Hai, quê ở xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.
Sinh ra và lớn lên giữa vùng quê giàu truyền thống cách mạng, khi mới 17 tuổi, người thiếu nữ gan dạ đã thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Cuối năm 1961, đồng chí Hai Bé được kết nạp vào Đoàn Thanh niên. Đến năm 1962, chị vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1970, đồng chí Nguyễn Thị Bé được cử giữ chức Bí thư Chi bộ, phụ trách Chính trị viên xã đội Suối Bà Tươi (nay là xã Phước Đông).
Tháng 3/1973, hàng ngàn tên địch cùng với xe tăng ồ ạt tấn công vào căn cứ của ta ở Xóm Đồng, Rỗng Tượng. Trong trận này, đơn vị đồng chí Hai Bé phối hợp với Đại đội 33 đánh trả quyết liệt; sau đó bị trọng thương và trút hơi thở cuối cùng khi mới 29 tuổi.
29 tuổi đời, 12 tuổi quân, đồng chí Nguyễn Thị Bé hy sinh để lại chiến công đáng khâm phục: Giải tán một trung đội phòng vệ dân sự, làm hàng trăm trái mìn tự tạo, bắt sống 3 tên giặc, tiêu diệt vài chục tên địch, bắn cháy một xe tăng.
Với những thành tích đặc biệt, đến năm 1994, đồng chí Nguyễn Thị Bé được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trước đó, chiều 20/12, tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - Cơ quan thường trực phía Nam đã dự lễ giới thiệu chương trình “Về lại chiến khu”.
Chương trình nhằm kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng Biên phòng (3/3/1959 – 3/3/2024), 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và hướng đến chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Chương trình “Về lại chiến khu” là chuỗi hoạt động thiết thực được Quỹ “Chung một tấm lòng” của Đài Truyền hình TPHCM cùng với sự đồng hành của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm, những tấm lòng hướng về tuyến biên cương Tổ quốc - nơi các cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh đã và đang cùng nhân dân khu vực biên giới làm nhiệm vụ bảo vệ vùng phên giậu đất nước.
Tại chương trình, báo Người Lao Động đã trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh 10.000 lá cờ Tổ quốc, tặng 100 suất học bổng cho học sinh.
Dịp này, Ban tổ chức cũng trao tặng 200 phần Tết đến người dân hai bên biên giới. Các cơ quan báo chí, đơn vị doanh nghiệp cũng có những đóng góp, ủng hộ thiết thực để chung tay chăm lo đồng bào vùng biên cương.
Quỹ “Chung một tấm lòng” của chương trình cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị với tổng số tiền 2,25 tỷ đồng.