Tàu chở than VTB 26 bị bão số 2 đánh chìm: Phút sinh tử của những thuyền viên

TP - Ngày 18/7, 19 phương tiện, gồm 2 tàu cứu hộ, 2 tàu cảnh sát biển, 4 tàu biên phòng, 1 tàu cảng vụ, 7 tàu cá của ngư dân, 3 tàu hàng triển khai công tác cứu hộ. Phạm vi tìm kiếm được mở rộng sang vùng biển Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Những người thoát nạn kể lại phút sinh tử khi tàu bị sóng nhấn chìm và những giờ lênh đênh, trôi dạt trên biển.
Một thuyền viên kiệt sức được cáng lên bờ.

Anh Lý Văn Giang – thợ máy tàu vận tải VTB 26 gặp nạn kể: “Khoảng 2h ngày 17/7, tàu chúng tôi đang neo đậu gần khu vực đảo Hòn Ngư thì sóng to ập đến, gió thổi rất mạnh. Nghe tiếng còi báo động từ khoang thuyền trưởng, mọi người hớt hải chạy lên, tập trung ở khoang lái. Bất ngờ sóng xô mạnh khiến tàu nghiêng về một phía, hất thuyền viên mỗi người văng một nơi. Tôi chỉ biết mình bị văng ra khỏi tàu chứ tình hình của anh em khác thì tôi cũng không rõ nữa. Bị rơi xuống biển, sóng xô đẩy đi đâu tôi không nhớ. Thấy anh Hải ở gần, hai anh em bám lấy nhau, động viên bình tĩnh và cố gắng hướng bờ mà bơi. Nói là bơi chứ sóng xô đi đâu thì đi chứ không kịp định hướng nữa”.

Sau hơn 7 giờ lênh đênh trên biển, hai thuyền viên được tàu hàng Lam Hồng 99 cứu. Cùng Lý Văn Giang, đến nay đã có 6 thuyền viên khác của tàu vận tải VTB 26 được cứu. Lực lượng cứu hộ vớt được 2 thi thể, hiện còn 4 thuyền viên mất tích.

10h ngày 17/7, thuyền viên Ngô Cao Cường (SN 1991, quê Nghệ An) được tàu tìm kiếm cứu nạn phát hiện khi đang vật lộn với sóng biển. Ông Ngô Cảnh Hùng, bố nạn nhân cho biết: “Buổi sáng 17/7, tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại của con gái trong Nam gọi về, thấy báo chí đưa tin một tàu vận tải bị chìm, nhiều thuyền viên mất tích trên biển Nghệ An. Tôi hốt hoảng gọi điện khắp nơi nhưng không có kết quả. Trời thì mưa to, không thể nào hết lo lắng được. Đến trưa thì tôi nhận được điện thoại của một người đàn ông nói là bên Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn cho biết con tôi còn sống nhưng rất yếu. Tôi vừa run, vừa mừng”.

Thuyền viên tàu VTB 26 đang được chăm sóc y tế.

Người bị thương nặng nhất trong số các thuyền viên được cứu sống là anh Nguyễn Văn Sáng (SN 1980, quê Thanh Hóa). Anh Sáng được tàu Thanh Thành Đạt 35 vớt vào sáng 17/7. Nạn nhân kể: “Sóng hất văng mọi người xuống biển, tôi gặp một thợ máy, hai anh em bám vào nhau nhưng sóng to tách hai người ra. Tôi cố gắng giữ thăng bằng, tránh bị sóng nhấn chìm. Sau nhiều giờ lênh đênh giữa sóng biển mịt mùng mưa gió, chống chọi với đói khát, có lúc tôi gần như kiệt sức, tự động viên mình cố gắng cầm cự thế nào cũng có tàu đến cứu”.

Đứng tại hành lang trụ sở Cảng vụ Cửa Lò, chị Lưu Thị Dung (vợ thuyền viên Nguyễn Văn Xuân, anh Xuân hiện đang mất tích) nước mắt lưng tròng. Một ngày dài đằng đẵng đã trôi qua, chị thấp thỏm ngóng tin chồng. “Hôm ấy, anh Xuân còn nói với tôi là tàu sẽ đổ hàng sớm rồi về thăm vợ con. Nhưng đến bây giờ sao anh lại chưa về”.

Rất ít nói kể từ khi bước tới trụ sở Cảng vụ Cửa Lò, ông Nguyễn Hải Thanh (bố thuyền viên Nguyễn Hải Quyết) dường như đang kìm nén nỗi đau, hi vọng về một điều thần kỳ sẽ đến với con mình. “Tôi tin con trai sẽ vượt qua, tôi tin như thế. Bố mẹ chỉ có con và đứa em gái, chẳng lẽ con lại nỡ bỏ mọi người mà đi. Cả gia đình đang chờ con về”, ông Thanh cứ để những giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen. Cho đến cuối ngày, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy 9 người, trong đó, 2 người tử vong, 4 người đang mất tích.

Huy động 2 đội thợ lặn tiếp cận tàu bị nạn

Sáng 18/7, tại sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã gặp, động viên người thân của 4 thuyền viên chưa được tìm thấy. Những người này gồm anh Nguyễn Văn Xuân - Đại phó, quê Thanh Hóa; Nguyễn Văn Chiêu - sỹ quan boong, quê Hải Phòng, Nguyễn Văn Dương - sỹ quan máy, quê Hải Phòng và Nguyễn Hải Quyết - thủy thủ, quê Hải Phòng. Nhà chức trách đã huy động 2 đội thợ lặn để tiếp cận tàu VTB 26.

Buổi sáng, thời tiết tại khu vực đảo Hòn Ngư tương đối thuận lợi, nhưng đầu giờ chiều mưa lớn ập xuống. Lực lượng cứu nạn tiếp tục rà soát dọc bờ biển Nghệ An, Hã Tĩnh, bãi đá đảo Hòn Ngư và sử dụng phần mềm của Mỹ để xác định vị trí dòng chảy kết hợp kinh nghiệm của ngư dân địa phương cùng bộ đội biên phòng tìm kiếm những người mất tích.