Tảo mộ thuê ngày tết

TP - Cuối năm, các nghĩa trang lớn nhỏ ở TPHCM lại đông kín người. Giữa dòng người đi viếng ngày một đông là những người chuyên hành nghề tảo mộ thuê lặng lẽ làm phần việc của mình. Công việc thời vụ đã phần nào giúp họ có thêm thu nhập trang trải những ngày Tết.
Một góc nghĩa trang được chăm sóc sạch sẽ, tinh tươm.

“Sống nhờ phúc phần người đã khuất”

Tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM), ngày thường khá hoang vắng, thế nhưng từ đầu tháng Chạp nơi đây náo nhiệt hẳn. Nắng bắt đầu đổ gắt, chúng tôi len lỏi theo đường mòn quanh các nấm mồ, bắt gặp hàng chục dáng người nhỏ bé cặm cụi sơn phết, lau chùi, nhổ cỏ vệ sinh mộ phần. Phụ nữ, thì dùng bàn cọ chà rêu bám trên vách, rửa ly tách, đàn ông thì nhổ từng bó cỏ, dùng vữa trám những phần mộ hỏng hóc.

Từ đường Bình Long, chúng tôi men theo con đường nhỏ dẫn sâu vào trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Khi đến bên khu vực của một nhóm “phu tảo mộ” đang làm việc, mới biết họ vốn là những nông dân, người không có nghề nghiệp ổn định đến từ những vùng quê Tây Ninh, Long An và Đồng Nai. Tất cả trong số họ đều lên đất Sài Gòn để làm nghề tảo mộ thuê kiếm thêm thu nhập, sau khi được những người có thâm niên làm nghề này giới thiệu.

Hiện nay, không chỉ nghĩa trang Bình Hưng Hòa mà một số nghĩa trang khác như Gò Dưa, quận Thủ Đức; nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh những ngày qua nhộn nhịp dòng người tảo mộ thuê. Tại nghĩa trang Đa Phước mặc dù đã có ban quản lý nghĩa trang chăm sóc, mỗi năm thu phí 350.000 đồng/mộ nhưng những thân nhân ngôi mộ vẫn sẵn sàng chi tiền triệu để thuê người ngoài mua thêm đồ trang trí, quét sơn để ấm lòng người đang sống.

Xây mộ mới thì thợ hồ làm quanh năm nhưng tảo mộ và các dịch vụ tu sửa chỉ đắt khách vào dịp cận Tết. Nhiều người dân ở những vùng quê nghèo vì vậy đổ xô lên TPHCM làm theo mùa vụ và với họ công việc này đã cho họ thêm khoản thu nhập kha khá. 

Vừa cạo vôi trên một ngôi mộ, ông Nguyễn Quang Khánh (SN 1973), lau vội mồ hôi trên trán. Buổi trưa trời nắng, nhưng ông vẫn miệt mài. Người đàn ông này đã có thâm niên làm “nghề” lâu năm ở đây.

Theo ông tính nhẩm thì ít nhất cũng đã hơn 15 năm, tuy nhiên, ông Khánh chia sẻ rằng mình không phải dân “chuyên nghiệp” mà chỉ nhận làm mùa vụ.

“Thông thường thì cứ khoảng đầu tháng Chạp là nhiều người đã đến mộ phần người thân tu sửa và dọn dẹp. Nhưng vì dân thành thị nên họ không có nhiều thời gian. Có những người bận bịu quá không đích thân đến được nên nhờ chúng tôi tu sửa và dọn dẹp. Có năm vì nhu cầu nhiều mà thiếu nhân công, tôi phải gọi về quê vợ ở Tây Ninh nhờ người hỗ trợ thêm mới làm kịp”- ông Khánh nói.

Nhóm người tảo mộ của ông Khánh, mỗi người làm một công việc khác nhau. Người nhận nhiệm vụ nhổ cỏ, người vun đất, cạo vôi, quét sơn,... tùy theo yêu cầu của những người thuê.

Anh Nguyễn Văn Tâm, một phu tảo mộ cho biết, công việc của anh phải dọn sạch những vết bẩn, cây cỏ bám trên mộ. Nhìn sơ thì có vẻ đơn giản và nhẹ nhàng nhưng không hề an nhàn như mọi người nghĩ...

Từng tí một, các phu tảo mộ phải dùng bàn chải sắt hoặc dụng cụ cạo để đánh bay mốc và vôi cũ còn bám trên mộ đến khi sạch mới thôi. “Nghề này vừa kiếm được thêm khoản thu nhập cho mình, vừa tích đức lại cho con cháu”- anh Tâm chia sẻ.

Theo anh, mọi người ở đây làm đều tâm niệm là mình sống nhờ phúc phần của người âm, nên ai cũng phải cố gắng hoàn thành. “Mình đã nhận tiền của người ta mà làm ẩu là tội lỗi lắm!”- ông Khánh tâm sự.

Theo các phu mộ để tiết kiệm chi phí, những người chung nhóm thuê một khu trọ chung ở gần khu vực nghĩa trang để thuận lợi cho công việc. Hằng ngày, công việc của những phu tảo mộ bắt đầu vào khoảng 7 giờ hoặc 8 giờ sáng và kết thúc trước 17 giờ.

“Để có công việc, chúng tôi tụ tập thành một nhóm và có người đứng đầu” -  một “phu tảo mộ”, chia sẻ.  Thông thường, sinh hoạt trong ngày của những nhân công ở đây cũng diễn ra trong nghĩa trang từ ăn uống đến nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt nhọc. Bữa cơm của họ cũng độc đáo không kém, thường là diễn ra tại nghĩa trang để làm việc cho kịp với tiến độ mà khách hàng giao.

Anh Nguyễn Tấn An, 28 tuổi, quê tại Bình Phước cho biết: “Mỗi năm khi nông nhàn, tôi đều đến Sài Gòn kiếm việc làm thêm để trang trải ngày Tết. Năm trước tôi đi dọn dẹp nhà thuê cho người ta. Năm nay được ông cậu giới thiệu đến đây, tôi đã làm được vài ngày. Công việc cũng không nặng nhọc nhiều so với làm nông, nhưng cũng không dễ”.

Ấm cả những mộ phần hoang lạnh

Những người làm nghề tảo mộ thuê ở đây thường tự phân chia khu vực cho nhau để không xảy ra tranh chấp khi có người thuê tảo mộ. Họ chỉ được nhận ở khu vực nhất định chứ không được “xâm phạm” khu vực khác.

Chính vì điều này nên những người làm ở đây thường gọi các khu mộ thuộc phận trách của nhóm là “lãnh địa” riêng. Họ tự đặt tên từng khu, như khu ông Út Thắng, bà Kiều Thu, khu ông Chín Lộc mặt đường Bình Long… Tuy phân chia để hoạt động nhưng ở đây rất ít khi xảy ra tranh cãi tranh chấp.

Bà Nguyễn Thị Em, 40 tuổi, có thâm niên hơn 20 năm làm nghề tảo mộ ở đây cho biết: “Mình làm việc này mà tranh giành thì tuyệt đối không nên. Nếu các anh, em lỡ đến khu vực mình làm thì chỉ nhắc nhở cho có lệ thôi”.

Buổi trưa, anh Nguyễn Bá Long, 37 tuổi, giáo viên tại một trường tiểu học ở quận Tân Phú, tấp xe vào nghĩa trang. Tranh thủ lúc trưa, anh Long ra phụ giúp với nhóm tảo mộ để “làm đẹp” 5 mộ phần là người thân của mình.

Anh Long cho biết: “Hiện tại gia đình tôi có đến 5 người đang an nghỉ tại đây. Do công việc phải đến ngày 20 tháng Chạp mới được nghỉ với lại nhà không còn người thân nên phải thuê người tảo mộ giúp. Nếu mình bỏ việc mà làm thì chí ít cũng mất đến hơn 1 tuần mới xong. Thế nên, mỗi khi tan trường tôi thường ra đây thăm nom và làm phụ. Mồ mả ông bà, mình bỏ không cho người khác làm thì không đành”.

Vệ sinh trên mộ phần.

Chiều tà, nhiều “phu tảo mộ” vẫn lom khom trong khu nghĩa trang Đa Phước, ở huyện Bình Chánh. Một số trong họ tranh thủ lúc xong việc lại sang một vài mộ phần bị bỏ hoang, lau chùi cho tươm tất. Chị Nguyễn Thị Hoài, quê ở Cần Giuộc, Long An vừa nhổ cỏ ở ngôi mộ mà theo chị “con cái đi nước ngoài hết không ai chăm đã mấy năm nay”.

Theo chị Hoài, thời còn con cái ở TPHCM, khi tảo mộ ở gần ngôi mộ này đều thấy con cháu cùng về nhổ cỏ, quét vôi, thắp hương. “Ba năm nay không thấy ai đả động đến”- chị kể. Thấy ngôi mộ cỏ dại mọc đầy, tranh thủ lúc tảo thuê xong, chị nhổ cỏ, quét dọn giúp những ngôi mộ hoang ấy.

Dù việc tảo mộ thuê không có mức giá cả ổn định nhưng theo chị Hoài và những người tảo mộ nơi đây, giá cả thường dựa vào mức độ hài lòng của người thuê hoặc do bên những phu tảo mộ đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Khánh thì việc làm cỏ, cạo rêu cho 1 ngôi mộ thường có giá 300 - 500 nghìn đồng; cạo vôi quét sơn thường có giá 1,5-2 triệu đồng…Ngoài ra còn có người thuê trọn gói với giá từ 3-5 triệu đồng tùy theo kích thước ngôi mộ.

“Mỗi ngày nhóm chúng tôi có thể làm được 15 ngôi mộ, tính trung bình mỗi người có thể kiếm được từ 700 nghìn đến hơn 1 triệu đồng/ ngày”- ông Khánh khoe.

Anh Lê Văn Thuận (quê Long An) cho biết: “Công việc chính ở quê tôi là làm nông. Do có người bạn giới thiệu nên khi nông nhàn tôi lên đây làm kiếm thêm thu nhập. Tính ra tiền kiếm một ngày ở đây bằng gấp vài lần ở dưới quê. Nhưng đây là việc làm thời vụ, đến 29 Tết là hết”.

Được thu nhập cao từ công việc mùa vụ này, nhưng những phu tảo mộ ở đây luôn tâm niệm, công việc họ đang làm cũng nhờ vào phúc phần của người đã khuất, nên họ luôn sẵn sàng dọn dẹp và thắp hương những ngôi mộ không có người thân đến dọn dẹp để hương hồn người đã khuất được ấm áp, an lành đón Tết.

Anh Thuận cho biết, mỗi năm cả nhóm cũng “chăm” cho hàng chục ngôi mộ không người đến dọn dẹp. “Tính ra nếu người ta thuê thì cũng kiếm được ít tiền nhưng giờ người thân không biết nơi đây, mộ phần lạnh lẽo, cỏ mọc um tùm thấy thương quá. Tụi tui thấy vậy tự bảo làm thôi”- anh Thuận nói. 

Post by Báo Tiền Phong.