Day dứt hậu án oan- Bài cuối:

Tạo điều kiện để người bị oan trở lại cuộc sống

TP - Nhiều ý kiến cho rằng, người bị oan sai phải được tạo điều kiện tốt nhất để trở lại cuộc sống bình thường bởi dù cố gắng đến đâu, mức bồi thường của cơ quan bảo vệ pháp luật gây ra cũng không thể bù đắp hết những tổn thất mà người bị hàm oan phải gánh chịu.
Ông Huỳnh Văn Nén, người tù oan thế kỷ muốn được ứng trước 1 tỷ đồng bồi thường vì gia cảnh quá khốn khó. Ảnh: Đình Quân

“Có cơ chế ứng trước việc bồi thường”

Nguyên thẩm phán TAND TPHCM Võ Đức Toàn nói, nếu xác định là làm oan người ta thì cơ quan có trách nhiệm phải chủ động tính toán bồi thường cho họ. Nếu bồi thường số tiền họ cảm thấy không hợp lí thì họ mới phải đi kiện (yêu cầu giải quyết bồi thường thỏa đáng- PV). Chứ bây giờ người ta bị oan sai, đòi bồi thường thì bảo người ta đi kiện đã, kiện xong mới bồi thường là bất hợp lí. Mới đây nhất, việc người tù oan xuyên thế kỷ Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận xin ứng trước 1 tỷ đồng bồi thường thì nói không có cơ chế, nhưng trên thực tế có cơ chế.

Điển hình là vụ 7 bị cáo oan sai ở tỉnh Sóc Trăng, cơ quan công quyền tạm ứng trước một số tiền rồi mới tính toán tiền bồi thường. Bởi vậy luật có mà mỗi nơi áp dụng mỗi khác. Nếu oan sai xảy ra, bị cáo phải kiện thì biết bao giờ họ mới nhận được tiền bồi thường. Còn việc xin lỗi hiện nay không hợp lí. Xin lỗi công khai nên qui định báo, đài truyền hình công bố để toàn nhân dân biết họ bị oan. Vụ án đưa ra công luận ai cũng biết, nhưng lúc xác định oan sai thì xin lỗi chẳng ai biết. Nhiều vụ tổ chức xin lỗi trong phòng không ai biết, xong việc bảo họ ra về.

Luật sư Lê Viết Phương (Hà Nội), cho rằng quan trọng nhất đối với câu chuyện người bị oan sai là cách thức nào để giúp họ thực sự trở về với đời sống từng có trước khi bị oan. Đó không chỉ là mức bồi thường, thái độ cầu thị của những cơ quan, con người cụ thể gây ra. Mức bồi thường nào cũng không thể bù đắp lại được những gì họ đã mất. Chính quyền địa phương không thể thờ ơ, cần phải động viên giúp đỡ họ hòa nhập cuộc sống. “Những người có tội thật sự khi mãn hạn tù còn được xã hội chia sẻ, tạo cơ hội hoàn lương, đằng này những người vô tội bị ngồi tù oan khi được minh oan thì càng cần phải cho họ cơ hội trở lại cuộc sống bình thường”, luật sư Phương nói.

Khắc phục tình trạng áp lực từ cáo trạng

“Những người bị án oan đã từng bị thương tổn nặng nề. Cộng đồng cần thể hiện thái độ quan tâm đúng mực, đừng khoét sâu vào những cảm xúc tiêu cực. Sự thái quá không có giá trị làm cho người ta cân bằng mà còn đẩy người ta vào cảm xúc tiêu cực. Chính sự cảm thông, cân bằng trong ứng xử, giúp sức âm thầm sẽ làm cho người bị án oan dễ chịu và thoải mái hơn, việc hòa nhập sẽ mau chóng”.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng Khoa Tâm lý học

(Đại học Sư phạm TPHCM)

Trở lại gốc rễ của nguyên nhân gây oan sai, nguyên thẩm phán Võ Đức Toàn nhận định, có những vụ thẩm phán suy nghĩ năm ăn năm thua (có tội và không tội - PV), nếu  thẩm phán có tâm thì suy đoán vô tội và tuyên có lợi cho bị cáo - đây là nguyên tắc tiến bộ được cả thế giới chấp nhận.

Tuy nhiên tại Việt Nam, trên thực tế nhiều trường hợp không tuân thủ, một số vụ các thẩm phán bị áp lực từ cáo trạng, khẳng định của người khác rằng người bị tình nghi đó là có tội. Lúc đưa ra xét xử, nếu bị cáo không nhận tội là lập tức bị thẩm phán áp dụng tình tiết “lời khai báo không thành khẩn, nên bị cáo không được giảm nhẹ”. Do đó, cần xóa bỏ tư tưởng áp đặt này?

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam, báo Công an nhân dân cho rằng: “Trong nhiều vụ án oan, sai mà các cơ quan tố tụng, những người thực thi pháp luật gây ra, có lỗi một phần không nhỏ từ truyền thông. Khi bản chất vụ án, sự thật vẫn chưa được làm sáng tỏ thì một số thông tin vội kết tội họ, gây hiệu ứng xấu trong dư luận. Cơ quan điều tra, tòa án thì cũng chỉ là những con người cụ thể, ai cũng có thể mắc sai lầm, họ cũng có thể chịu áp lực từ dư luận”.

Luật sư Nguyễn Văn Hiếu (Văn phòng luật sư Người nghèo, Đoàn Luật sư TPHCM), người đồng hành cùng ông Trương Bá Nhàn đi kêu oan nhiều năm ròng, cho rằng cần nhanh chóng bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, qui định quyền im lặng của người bị bắt, bị can; ghi âm ghi hình khi làm việc với bị can, bị cáo. Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung) nhằm hoàn thiện luật pháp, hạn chế oan sai như tạo điều kiện để luật sư tham gia vào các vụ án là xu hướng tiến bộ.