Tạo cầu nối cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số

TPO - Theo các doanh nghiệp, việc xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ thực hiện các giải pháp chuyển đổi số toàn diện, số hóa hệ thống quản trị và thực hiện tự động hóa các quy trình vận hành sẽ giúp nâng cao quy trình sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt trong thời gian tới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Hữu Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech) cho rằng, Nghị quyết 115 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng có đặt ra rất nhiều mục tiêu mới cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu Việt Nam sẽ có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam trong bối cảnh hiện các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật, thiếu vốn để thay đổi, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng nguồn nhân lực.

Theo ông Thắng, bên cạnh đặt ra các mục tiêu đề ra, về phía doanh nghiệp, việc chuyển đổi sản xuất sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để bước vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Vì vậy, việc xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ thực hiện các giải pháp chuyển đổi số toàn diện, số hóa hệ thống quản trị và thực hiện tự động hóa các quy trình vận hành sẽ giúp nâng cao quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

“Để số hoá quy trình sản xuất, chuyển dịch sang nhà máy thông minh, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện về mặt quản trị, tư duy lãnh đạo, đầu tư về công nghệ, máy móc và con người vận hành, Việc này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà cả môt quá trình thay đổi về đầu tư và nỗ lực nâng cao chất lượng của sản phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất của các tập đoàn đa quốc gia”, ông Thắng bày tỏ.

Theo đại diện Intech, với các doanh nghiệp hỗ trợ, mô hình nhà máy thông minh sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ hạn chế tối đa các sản phẩm lỗi đồng thời đẩy nhanh được tiến độ giao hàng. Đây là một trong những yêu cầu khá quan trọng của các doanh nghiệp FDI khi đặt hang doanh nghiệp sản xuất trong nước làm các đơn hàng lớn.

Việc đầu tư nhà máy thông minh, chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao chất lượng và năng suất lao động của doanh nghiệp. Ảnh: Như Ý

Tạo cầu nối cho doanh nghiệp

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, để tạo cầu nối cho doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng, vai trò của Chính phủ và các bộ, ngành hết sức quan trọng.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyển dịch sản xuất để bước vào sản xuất quy mô lớn, đi kèm với chuyển đổi số tại chính các doanh nghiệp cũng là một trong những yếu tố được bà Hương kiến nghị liên quan đến các chính sách của cơ quan quản lý.

Để cạnh tranh với các đơn vị vệ tinh sẵn có của các tập đoàn toàn cầu, các doanh nghiệp Việt, các chính sách khi được đưa ra cần được triển khai đồng bộ và quyết liệt giữa các cơ quan liên quan. Thực tế có nhiều chính sách được đưa ra rất tốt nhưng khi triển khai đến doanh nghiệp bị sứt mẻ rất nhiều trong khi so với các nước trong khu vực, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thiệt thòi rất nhiều. Như chính sách hỗ trợ cho vay trả lương với doanh nghiệp thì có quy định phải có 50% số công nhân, người lao động nghỉ việc thì mới được hưởng chính sách này.

“Với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực điện tử, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là người lao động. Khi khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng cố gắng duy trì bố trí việc làm cho ngừoi lao động luân phiên vì một công nhân ngành điện tử mà chuyển việc, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để đào tạo được nhân lực chất lượng. Vì vậy người lao động không được hưởng chính sách hỗ trợ do các quy định cứng được đưa ra. Chính sách về hỗ trợ mất việc cũng trong tình trạng”, bà Hương nói.

Bên cạnh đó, theo bà Hương, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang rất cần cầu nối tiếp sức trong việc kết nối giao thương từ các bộ ngành thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm, hội chợ. Điển hình như ở Ấn Độ, họ bỏ ngân sách thuê cả toà nhà cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đến tham gia triển lãm miễn phí. Cùng đó, họ cũng cho hưởng chính sách tạm nhập, tái xuất với hàng mang đi triển lãm. Còn doanh nghiệp trong nước đang phải tự thân vận động, nỗ lực trang trải các chi phí đó.

Ông Hoàng Hữu Thắng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương làm nhiều hơn các chương trình triển lãm, giao thương, kết nối cho cộng đồng công nghiệp hỗ trợ để tạo cầu nối với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong việc tìm kiếm đơn hang, giúp doanh nghiệp trong nước thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.