TPHCM:

Tăng viện phí, bệnh viện 'lo' hơn dân?

TP - Ngày 19/2, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và kế hoạch hoạt động năm 2016. Tại hội nghị, trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho rằng, việc tăng viện phí từ tháng 3/2016, thực chất, người tham gia BHYT không bị ảnh hưởng, mà lo nhất chính là các bệnh viện.

Bệnh viện nào phục vụ kém sẽ khó tồn tại

Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, tổng số khám, điều trị nội trú trên toàn thành phố năm 2015 là gần 32,5 triệu lượt bệnh nhân, tương đương cùng kỳ năm 2014. Điều đáng mừng là số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện quận huyện đã tăng 2%, số điều trị nội trú cũng tăng 3%. Từ đó, kéo theo số bệnh nhân tại các bệnh viện chuyên khoa quá tải của thành phố giảm tương ứng 2% bệnh nhân ngoại trú và 3% nội trú.

Sở cho biết, không phải ngẫu nhiên mà có được kết quả này. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Thành ủy và UBND thành phố, Sở đã dốc sức triển khai thực hiện các biện pháp giảm tải. Cụ thể, thành lập khoa sản nhi tại bệnh viện quận huyện, lập phòng khám vệ tinh tại 12 bệnh viện tuyến quận huyện, lập khoa vệ tinh của các bệnh viện tuyến thành phố đang quá tải tại những bệnh viện còn trống giường v.v…

Tuy nhiên, Sở Y tế thành phố nhìn nhận đang phải đối diện với thách thức mới. Trao đổi với báo chí, bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, từ tháng 1/2016, người tham gia BHYT đã được mở rộng quyền chọn nơi khám chữa bệnh qua Thông tư 40 của Bộ Y tế cho phép khám chữa bệnh BHYT thông tuyến.

“Đây là chính sách mới giúp cho người dân tham gia BHYT được nhiều quyền lợi hơn nhưng đồng thời lại là thách thức rất lớn cho ngành Y, nhất là các bệnh viện. Trong tình hình mới này, ngoài nỗ lực để giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố, thì các bệnh viện quận huyện, bệnh viện ngoài công lập, phải nỗ lực tối đa nâng chất lượng khám chữa bệnh, phải thay đổi thái độ phục vụ. Bệnh viện nào phục vụ kém, người dân sẽ không đến nữa mà tiếp tục đến các bệnh viện thành phố. Như thế, các bệnh viện quá tải lại tiếp tục quá tải, bệnh viện vắng người bệnh lại tiếp tục vắng”, ông Thượng nói.

Tăng viện phí, bệnh viện “lo” hơn dân

Trả lời câu hỏi về vấn đề tăng giá viện phí từ 2-7 lần kể từ tháng 3 năm nay, ông Thượng nói: “Cần hiểu đúng những mục tiêu mà Bộ Y tế đưa ra khi quyết định tăng giá dịch vụ y tế. Thứ nhất, ai cũng biết để tính đúng tính đủ những chi phí điều trị. Thứ hai, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT. Vì khi tham gia BHYT, cho dù giá dịch vụ y tế có điều chỉnh tăng cỡ nào thì gần như không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, người không tham gia BHYT, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn. Kể cả bệnh nhân trái tuyến, sau này khi giá được tính đúng tính đủ tiếp tục lên cao, thì cho dù chỉ chi trả một phần thôi thì vẫn phải gánh một chi phí
khá lớn”.

Theo bác sĩ Thượng, về phía các bệnh viện, nếu hiểu không thấu đáo, sẽ dễ nghĩ rằng các bệnh viện sẽ có nguồn thu rất lớn. Thực chất, bệnh viện cũng rất lo khi tăng giá viện phí theo lộ trình tính đúng tính đủ của bộ. Khi đó ngân sách sẽ không còn rót cho các bệnh viện hoạt động nữa. Chi phí để hoạt động chính của bệnh viện lúc này chính là nguồn thu từ người bệnh.

“Do đó, một lần nữa, nếu anh không cải tiến chất lượng, không thay đổi phong cách phục vụ, người bệnh sẽ không đến anh nữa, anh sẽ không có nguồn thu và không hoạt động được. Ý nghĩa sâu xa của chính sách này đó là nhà nước thay vì bỏ ngân sách ra cho các cơ sở, thì bây giờ bỏ tiền ra cho người dân”, ông Thượng giải thích.

Tăng giá dịch vụ y tế từ 1/3

Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1/3 tới, gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh giá với mức tăng trung bình từ 30-50%. Từ ngày 1/7, khi tính thêm tiền lương, giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay. Việc tăng giá chỉ áp dụng với các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Mức tăng nhiều nhất là giá khám chữa bệnh và giá ngày giường.

Bộ Y tế cho rằng, việc chia thành 2 đợt (trừ bệnh viện tư được điều chỉnh gộp từ 1/3) điều chỉnh giá dịch vụ y tế để giảm tác động đến đời sống của người dân và chỉ số giá tiêu dùng.              

Thái Hà