Tăng tiết để đón kỳ thi chung

Sau khi Bộ GD-ĐT có thông tin chính thức về một kỳ thi quốc gia, các trường THPT đã tập trung lên phương án học tăng tiết, khảo sát môn thi, ôn tập cho học sinh.
Nhiều trường đã bắt đầu kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12 chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: Đào Ngọc Thạch (Thanh Niên)

Sau khi Bộ GD-ĐT có thông tin chính thức về một kỳ thi quốc gia, các trường THPT đã tập trung lên phương án học tăng tiết, khảo sát môn thi, ôn tập cho học sinh.

Tăng tiết 3 môn bắt buộc

Trường sẽ tiến hành lên lịch ôn tập, phụ đạo các môn tự chọn cho HS ngay sau kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1. Chúng tôi cũng đang chờ các trường ĐH, CĐ công bố phương án tuyển sinh

Trần Văn Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú

Ghi nhận của Thanh Niên tại các trường phổ thông ngoài công lập cho thấy, nhiều nơi đã tăng tiết các môn chính như toán, văn và ngoại ngữ.

Tại Trường THCS - THPT Hồng Hà, Q.Gò Vấp, TP.HCM, toàn bộ hơn 700 học sinh (HS) lớp 12 đã học tăng tiết 3 môn bắt buộc trong kỳ thi chung.

Theo thạc sĩ Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng nhà trường, ngoài việc tăng cường thời lượng cho 3 môn chính, nhà trường cũng vừa tổ chức cho HS chọn môn tự chọn.

“Chúng tôi phân công giáo viên chủ nhiệm nắm tình hình, sau đó so sánh lại với điểm số trong học bạ, để thời gian tới tư vấn cho HS chọn môn phù hợp. Mục tiêu của chúng tôi là  HS phải giỏi đều các môn. Bởi kết quả học tập lớp 12 được dùng để xét xếp loại tốt nghiệp và có thể nhiều trường ĐH, CĐ cũng sẽ căn cứ vào kết quả này để xét tuyển”, bà Hà Thị Kim Sa cho biết.

Tương tự, HS Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (Q.6) cũng được ôn tập, tư vấn ngành nghề theo các khối thi. Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường, khoảng đầu học kỳ 2 trường sẽ có kế hoạch ôn nâng cao để HS có thể thi tốt, dùng kết quả đó xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Sẽ ôn phụ đạo từ giữa học kỳ 1

Hiện nay một số trường THPT đã bắt đầu lên kế hoạch ôn tập. Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có kế hoạch ôn tập, phụ đạo cho hơn 550 HS lớp 12 ngay giữa học kỳ 1 (dự kiến vào cuối tháng này).

Trong mấy tuần nay, ngoài việc đảm bảo dạy đúng tiến độ chương trình, Ban giám hiệu Trường THPT Long Trường (Q.9) đã tiến hành chia lớp để HS lớp 12 ôn tập thêm các môn tự chọn.

“Trường THPT Bình Phú (Q.6) cũng sẽ tiến hành lên lịch ôn tập, phụ đạo các môn tự chọn cho HS ngay sau kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1. Chúng tôi cũng đang chờ các trường ĐH, CĐ công bố phương án tuyển sinh”, ông Trần Văn Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú, nói.

Vẫn ít học sinh lựa chọn môn sử

Nhiều trường THPT tại TP.HCM đã thực hiện khảo sát môn tự chọn cho kỳ thi chung ngoài 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ. Vào cuối tháng 9, Ban giám hiệu Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2) đã cho khoảng 450 HS lớp 12 thử đăng ký môn tự chọn.

Theo ông Nguyễn Tiến Hỷ, Hiệu trưởng nhà trường, có khoảng 50 - 60% HS chọn môn tự chọn là lý và hóa. Các môn chiếm tỷ lệ thấp dần lần lượt là địa, sinh và sử. Đặc biệt môn sử chưa đến 10% HS đăng ký.

Tương tự, Trường THPT Bình Phú cũng đã khảo sát hơn 650 HS lớp 12, trong đó tỷ lệ chọn môn lý, hóa khoảng 70%, môn sử vẫn chưa đến 10% HS đăng ký. Lý giải về việc này, ông Trần Văn Việt, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Phần đông HS của trường chọn thi ban A. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi có đến 70% HS chọn môn tự chọn là lý hóa”.

Ông Việt cho rằng môn sử có ít HS  chọn cũng là điều bình thường vì lượng thí sinh hằng năm thi khối C rất ít. Mặt khác, nhiều người cũng cho rằng, các bài học lịch sử lớp 12 hiện có quá nhiều ngày tháng, khi đi thi đề thường ra theo kiểu thuộc lòng nên HS… ngán.

Chủ động học đều các môn

Nhiều HS lớp 12 cho biết chủ động học đều các môn chứ không chỉ chú trọng vào 4 môn của kỳ thi chung.

Nguyễn Tiến Nam, Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), nói: “Từ năm ngoái, em chủ động học đều 8 môn: toán, văn, Anh văn, lý, hóa, sinh, sử, địa”. Nam chọn thi khối A nhưng điểm trung bình các môn sử, địa năm học lớp 11 cũng đều trên 8. Nguyễn Ngọc Khánh, Trường THPT Ngô Quyền (Q.7), kể: “Em luôn theo dõi thông tin về kỳ thi trên báo chí. Em đang trông các đề án tuyển sinh riêng của các trường để chọn trường, ngành thi phù hợp. Theo em dù thi cử có đổi mới thì đề ra cũng nằm trong chương trình học. Vì vậy em chú tâm vào việc học là chính”.

Theo bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), HS trước hết phải học đủ và đều tất cả các môn, cần tránh học lệch. Bà Dung cho rằng trong năm nay nhiều trường ĐH, CĐ sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh riêng, trong đó nhiều trường sẽ xét học bạ 5 học kỳ (từ học kỳ 2 lớp 10 đến hết lớp 12), hoặc xét điểm trung bình năm học lớp 12...

Theo Minh Luân
Theo Thanh Niên