Tận thấy nhân viên khí tượng đội nắng lửa ghi nhiệt độ

Quảng Bình được xem là nơi nắng nóng nhất miền Trung, trong đó thị trấn Đồng Lê (huyện Tuyên Hoá) thường xuyên có nhiệt độ cao nhất tỉnh. Tại đây có đặt một Trạm khí tượng với 2 nhân viên thay nhau trực.

Giữa trưa, chị Võ Thị Ánh Tuyết (34 tuổi, ở tiểu khu Đồng Văn, thị trấn Đồng Lê) là nhân viên khí tượng thủy văn bắt đầu công việc ghi các số liệu thời tiết tại đây.

7h hàng ngày, chị Tuyết phải lắp quả cầu để ghi giản đồ nhiệt của những ngày nắng nóng. 12h trưa hàng ngày, những quan trắc viên như chị Tuyết sẽ phải thay giản đồ nhiệt mới.

Giản đồ nhiệt thể hiện trên tấm hợp kim màu xanh. Ánh nắng sẽ rọi qua quả cầu, hội tụ xuống tấm giản đồ nhiệt. Bỏ 1 chiếc lá cỏ khô vào điểm hội tụ, chiếc lá sẽ bốc cháy ngay trong chưa đầy một giây vào những ngày cao điểm nắng nóng.

Trạm khí tượng thủy văn Đồng Lê là trạm quan trắc thời tiết 4 ốp, thực hiện ghi, đo các thông số thời tiết trong 4 mốc thời gian là 1-7-13 và 19h hàng ngày. Theo ông Ngô Hải Dương - giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Bình, hiện địa bàn vẫn còn tồn tại 2 loại trạm quan trắc 4 ốp và 8 ốp hoạt động song song. Mỗi lần đo (1 ốp), nhân viên khí tượng thuỷ văn hay còn gọi là "quan trắc viên" thực hiện trong 15 phút rồi gửi các số liệu về các Đài khí tượng thuỷ văn trung tâm. Theo trình tự công việc của ốp 13h, sau khi đã thay giản đồ nhiệt lúc 12h trưa, chị Tuyết quan sát hướng gió xong rồi mới ghi số liệu nhiệt độ đất.

Nhiệt độ đất đo được lúc 13h ngày 29/5 là 63 độ C.

Tiếp đến là phần ghi số liệu nhiệt độ và độ ẩm không khí. Hai thông số này được thể hiện ở 2 lều khí tượng của trạm. Một lều đặt nhiệt kế và ẩm kế, lều còn lại chứa thiết bị tự động ghi lại các số liệu về nhiệt độ và độ ẩm không khí các giờ trong ngày, được gọi là lều nhiệt ký. Trong ảnh: Chị Tuyết đang kiểm tra lều chứa nhiệt kế, ẩm kế.

Nhiệt độ thể hiện trên nhiệt kế lúc 13h ngày 29/5 tại Đồng Lê là 39,3 độ C. Theo chị Tuyết, cao điểm nắng nóng trong ngày thường từ 14-15h. Chị Tuyết cho biết, nhiệt độ cao nhất của ngày 29/5 đo được tại Tuyên Hoá là 40,5 độ C.

Ngoài việc xem các số liệu trực tiếp trên nhiệt kế, ẩm kế, quan trắc viên còn phải thường xuyên cập nhật các thông số này ở lều nhiệt ký để theo dõi nhiệt độ cao nhất và thấp nhất trong ngày.

Trạm khí tượng Đồng Lê còn có thiết bị tự động đo các thông số về thời tiết thường xuyên cập nhật (10 phút cập nhật 1 lần) số liệu gửi về các Đài khí tượng thủy văn trong nước và Quốc tế. Quan trắc viên có nhiệm vụ cập nhật các thông số ở thiết bị này để đối chiếu, so sánh. Theo giám đốc Ngô Hải Dương, đến năm 2013, Việt Nam sẽ tự động hoá toàn bộ các máy móc, dụng cụ đo khí tượng thủy văn. Con người chỉ việc theo dõi hoạt động, duy tu bảo dưỡng những thiết bị này.

Ngoài việc ghi các số liệu nhiệt độ, độ ẩm...quan trắc viên còn phải xác định hướng gió, đánh giá số liệu thời tiết đã qua, dự đoán thời tiết sắp tới. Những ngày cao điểm nắng nóng, họ được phép trùm kín mặt và đeo kính để quan sát tầm nhìn ngang, mây, tránh tình trạng bị bức xạ mặt trời, các tia tử ngoại gây hại cho mắt.

Hoàn thành xong việc ghi số liệu, kiểm tra các loại hình khí tượng như hướng gió, mây, tầm nhìn, nhiệt độ, độ ẩm, quan trắc viên sẽ phải làm báo cáo trong sổ nhật trình, nhập số liệu vào phần mềm chuyên dụng trên máy tính gửi về Đài trung tâm ở Đà Nẵng.

Chị Tuyết tốt nghiệp Đại học Tài nguyên Môi trường TP HCM, chuyên ngành đào tạo cán bộ khí tượng thuỷ văn. Chị về nhận công tác tại Trạm khí tượng Đồng Lê từ năm 2008 đến nay với mức thu nhập mỗi tháng hơn 3 triệu đồng. "Công việc này nhìn có vẻ đơn giản nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi có những dạng thời tiết như gió lốc, mưa đá, giông tố, bão. Tôi nhớ ngày 5/4/2014, nhiệt độ tại đây đạt mức 40,5 độ C rồi mưa đá xảy ra. Tôi phải chạy ra ngoài trời hứng và nhặt những viên đá vào hoá lỏng để thực hiện công việc báo cáo số liệu về Đài trung tâm. Mùa nắng nóng, quan sát bầu trời ở Tuyên Hoá lúc nào cũng trong xanh. Đây là vùng rốn nắng, là đỉnh nóng của Quảng Bình", chị Tuyết nói.

Theo Theo Zing