“Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm phát triển kinh tế nhưng quan trọng là bảo đảm môi trường sinh thái”, Phó Thủ tướng nói.
Cấp phép trước khi quy hoạch được lập
Chiều 28/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp để nghe Bộ VH,TT&DL và UBND TP Đà Nẵng báo cáo về việc tiếp thu các kiến nghị của Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng về bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Theo Phó Thủ tướng, tinh thần của Thủ tướng, Phó Thủ tướng là rất cầu thị lắng nghe trên tinh thần công khai, minh bạch. “Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Nếu chúng ta làm đúng thì nhân dân, công luận sẽ đánh giá đúng”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2013, phê duyệt vào tháng 11/2016 và được chính thức công bố ngày 15/2/2017.
Tuy nhiên, trước tháng 5/2013 đã có 18 dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà được UBND Thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư, thậm chí có những dự án đã cấp phép. Trong số đó có 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú. Từ năm 2013 tới nay không cấp thêm dự án nào nữa.
“Tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà đều đã được đồng ý chủ trương hay cấp phép trước khi bản Quy hoạch được lập”, Phó Thủ tướng nói và cho hay, việc quản lý, xây dựng các dự án này thuộc thẩm quyền và cũng là trách nhiệm giải quyết của Đà Nẵng.
Các dự án mà Đà Nẵng đã cấp phép, chấp nhận chủ trương có quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng. Còn Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng. Như vậy quy mô phòng lưu trú so với các dự án đã được đồng ý chủ trương trước khi bản Quy hoạch được xây dựng chỉ bằng 1/3.
Kiến nghị không xây thêm khách sạn
Tuy nhiên, ngay sau khi bản Quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có kiến nghị và một nội dung quan trọng trong bản kiến nghị là giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà. Để giải quyết kiến nghị trên, Thủ tướng đã giao Bộ VH,TT&DL và Thành phố Đà Nẵng báo cáo.
Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Đà Nẵng cần chủ động xem xét tất cả các vấn đề để có báo cáo chính thức với Thủ tướng về kiến nghị của Hiệp hội, báo cáo đó cần có kiến nghị rất cụ thể. “Trước đây cấp phép 10, bây giờ Hiệp hội kiến nghị giảm xuống 1 thì Đà Nẵng có chấp nhận không”, Phó Thủ tướng nêu câu hỏi và yêu cầu Đà Nẵng phải chủ động vì tất cả các dự án được cấp theo đúng thẩm quyền của Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Đà Nẵng xem xét để trả lời kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng là, có giữ nguyên trạng trên bán đảo Sơn Trà không? “Trên thực tế quy hoạch chưa được triển khai. Trong 3 tháng tới, tôi đề nghị chưa triển khai quy hoạch để tiếp thu ý kiến được khách quan”, ông Đam nói và khẳng định tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm phát triển kinh tế nhưng quan trọng là bảo đảm môi trường sinh thái.
Theo Phó thủ tướng, không lo ngại rằng trong 3 tháng tới, khi bản quy hoạch chưa được triển khai, các dự án đã được cấp phép trước đây sẽ làm ồ ạt. Bởi lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất từ 16/5, tất cả mọi quyết định liên quan tới các dự án này phải được thông qua Thường trực Thành ủy và phải được nhân dân, công luận giám sát.
Đề cập đến việc dư luận phản ánh về vi phạm ở Dự án du lịch sinh thái biển Tiên Sa, Phó Thủ tướng cho biết, Đà Nẵng đã có báo cáo về vấn đề này. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang thụ lý hồ sơ, lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về đầu tư xây dựng, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết.
“Các dự án này cũng như các dự án khác đều được phê duyệt, cấp phép từ trước, vì thế, về nguyên tắc thì thẩm quyền và trách nhiệm xử lý thuộc UBND Thành phố Đà Nẵng. Tôi đề nghị các đồng chí cầu thị, lắng nghe, trao đổi tiếp thu nếu các ý kiến đó là xác đáng”, Phó Thủ tướng nói.
Các dự án mà Đà Nẵng đã cấp phép, chấp nhận chủ trương có quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng. Còn Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng. Như vậy quy mô phòng lưu trú so với các dự án đã được đồng ý chủ trương trước khi bản Quy hoạch được xây dựng chỉ bằng 1/3.