Vụ “xin tiền” trên cao tốc:

Tài xế ứng phó thế nào khi bị cướp chặn đường

Theo phân tích của chuyên gia tội phạm học, việc tài xế gây tai nạn cho kẻ chặn đường cướp tài sản nằm ở lằn ranh giữa đúng và sai. Từ đó, chuyên gia có những tư vấn về một số kỹ năng ứng xử để bảo đảm an toàn cho tài xế, đồng thời không vướng vào những rắc rối pháp lý.
Nhóm thanh niên vác dao, phớ chặn đường, "xin tiền" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. (Ảnh cắt từ clip)

Gây tai nạn cho kẻ chặn đường nằm giữa lằn ranh đúng - sai

Liên quan đến vụ việc nhóm thanh niên vác hung khí lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai chặn ô tô để “xin tiền”, dư luận băn khoăn, các tài xế phải ứng phó như thế nào trong trường hợp bị cướp chặn đường? Ứng xử ra sao để vừa bảo đảm an toàn cho bản thân, vừa không vướng vào những rắc rối pháp lý?

Trung tá - Nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) - nguyên Điều tra viên Đội Điều tra trọng án (Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội) cho rằng, mọi tình huống chặn đường khi xe ô tô đang lưu thông đều là bất thường và ẩn chứa những nguy cơ tội phạm. Bất cứ ai lâm vào tình huống này đều có thể lúng túng trong cách xử lý, vì sự việc xảy ra đột ngột, nằm ngoài mọi dự liệu nên không có sự chuẩn bị trước về tâm lý.

Bên cạnh đó, nỗi sợ bị tấn công ngay tức khắc lấn át, chi phối tâm trí người tài xế, trong khi hoàn cảnh bắt buộc họ phải đưa ra những phản ứng kịp thời, chính xác. Nếu xử lý chậm trễ như không kịp phanh dừng trước chướng ngại vật, tai nạn có thể sẽ xảy ra. Việc gây tai nạn với kẻ chặn đường nằm ở lằn ranh giữa đúng và sai và người tài xế đối diện với những chế tài hình sự theo mức độ hậu quả của vụ tai nạn.

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, khi điều khiển xe ô tô, người lái phải tập trung cao độ và giữ tầm mắt song song với mặt đường để có thể quan sát xa, bao quát toàn bộ cung đường phía trước. Đây là yêu cầu tiên quyết, giúp cho tài xế có thể nhanh chóng phát hiện, phán đoán những sự kiện bất ngờ có thể xảy ra phía trước và có đủ thời gian để tính toán biện pháp xử lý.

“Trong mọi tình huống phía trước xe có đám người lao ra chặn đường, người tài xế phải hết sức cảnh giác và chuẩn bị sẵn tâm thế đối phó. Có thể hít thở sâu 1-2 nhịp để ổn định nhịp tim và trấn tĩnh lại.

Phản ứng cần thiết đầu tiên là giảm tốc độ xuống mức an toàn (để có thể dừng lại không đâm vào chướng ngại vật), đồng thời, cần quan sát nhanh tình huống để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cần nhanh chóng ghi nhận số người, đặc điểm đồ vật mang theo (có vũ khí hay không, biểu hiện của kẻ chặn đường).” - Trung tá Hiếu tư vấn.

Lao thẳng xe vào tên cướp là lựa chọn phòng vệ cuối cùng

Về cách xử lý trong tình huống đã bị cướp chặn mũi xe, theo Trung tá Đào Trung Hiếu, kẻ chặn đường khi thấy xe giảm tốc độ thường sẽ có động thái cản đường (đứng ra trước mũi xe) để buộc xe dừng hẳn, đồng thời sẽ có những biểu hiện quyết liệt như chĩa súng, vung dao… để thị uy yêu cầu lái xe mở cửa, xuống xe.

“Đến lúc này, tính chất sự việc đã tương đối rõ - đó là một vụ cướp. Lúc này, căn cứ vào tính chất hung khí để tài xế có ứng xử phù hợp.” - Trung tá Hiếu cho hay.

Trung tá Đào Trung Hiếu tư vấn một số kỹ năng ứng phó với tình huống cướp chặn đường để tài xế vừa đảm bảo an toàn, vừa không vướng vòng lao lý.

Trên thực tế, theo Trung tá Hiếu, không có một khuôn mẫu ứng xử nào đúng trong mọi trường hợp vì tính chất, điều kiện hoàn cảnh mỗi vụ một khác. Tuy nhiên, vẫn có những nguyên lý chung trong xử lý tình huống mà người dân cần tham khảo, vận dụng trong tình huống cụ thể mà mình gặp phải.

Chia tách ra các tình huống căn cứ vào tính chất của hung khí mà bọn cướp đang sử dụng để khống chế lái xe, Trung tá Hiếu phân tích: “Nếu đối tượng có súng, đang chĩa thẳng vào tài xế, giải pháp khôn ngoan là chấp hành yêu cầu của đối tượng vì ưu tiên bảo vệ số 1 trong mọi tình huống là tính mạng, sức khỏe chứ không phải tài sản.

Lái xe nên tỏ ra ngoan ngoãn làm theo yêu cầu của tội phạm và giao tiền, tài sản kể cả việc giao xe vì việc chống cự có thể dẫn tới những hậu quả thiệt hại lớn hơn. Hơn nữa, khi đối tượng có súng, việc bỏ chạy có thể kéo theo hành động bắn thẳng vào xe, bắn xịt lốp xe… rất nguy hiểm.

Quá trình tiếp xúc với đối tượng khi bị cướp xe, nạn nhân cần xin tha mạng. Mục tiêu của đối tượng là tài sản, nếu nạn nhân không chống đối, không kích thích ác tính thì chúng cũng sẽ không có những hành động bạo liệt. Sau khi vụ cướp xảy ra, nạn nhân cần tìm cách báo ngay cho cơ quan công an để tổ chức truy nóng hoặc chặn bắt đối tượng.”.

Trường hợp đối tượng không có súng mà chỉ có các hung khí như dao, gậy, theo Trung tá Hiếu, tài xế có thể lựa chọn cách xử lý khác vì tài xế đang ở trong xe, vẫn cách ly nguồn nguy hiểm và các hung khí này không dễ tác động ngay đến thân thể người lái xe.

“Khi sự việc đã rõ ràng là một vụ cướp, tài xế không nên mở cửa xe, mà có thể đạp côn, đạp phanh và rồ ga, bấm còi liên tục, biểu hiện như sẽ lao thẳng vào đối tượng. Trong sâu thẳm, tên cướp nào cũng sợ tai nạn, khi thấy tài xế có những hành động quyết liệt, trước nguồn nguy hiểm cao độ là mũi ô tô, chúng sẽ phải dạt ra. Chớp thời cơ này, tài xế điều khiển cho xe thoát đi.

Tình huống đối tượng cố tình chắn đường, không tránh dù tài xế đã bấm còi, rồ ga uy hiếp, cảnh báo, việc điều khiển xe lao thẳng vào đối tượng theo tôi đã thỏa mãn dấu hiệu phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), vì hành vi nguy hiểm (chặn đường cướp tài sản) đang thực tế diễn ra.

Việc gây tai nạn trong trường hợp này không phải là tội phạm. Tuy nhiên, cần lưu ý việc cho xe lao thẳng vào đối tượng chỉ nên lựa chọn khi đó là giải pháp cần thiết và cuối cùng, ngoài ra không còn lựa chọn nào khác. Đồng thời, việc làm đó là nhằm thoát khỏi tình huống nguy hiểm chứ không phải là nhằm giết hại đối tượng. Mục đích của hành động, thời điểm chống trả, sự cần thiết trong biện pháp sẽ quyết định tính chính đáng của hành vi phòng vệ.” - Trung tá Đào Trung Hiếu cho hay.

Theo Theo Dân Trí