Ngày 8/12, kỳ họp thứ 9, HĐND TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026 thảo luận tổ. Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về tình hình thực tiễn của thành phố.
Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP nhắc lại chuyện đường phố ở Cần Thơ ngập mênh mông, nhưng ruộng đồng thì lại không có nước.
Theo ông Hiểu, hiện nay, các vùng trồng lúa hầu hết đều làm đê bao để sản xuất lúa vụ 3. Đến khi nước từ thượng nguồn đổ về không vào được đồng ruộng thì phải tràn qua chỗ khác và gây ngập.
Không chỉ riêng cần Thơ, mà tình trạng này đang diễn ra ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ở đó, đồng ruộng đã bị chặn hết bằng những con kênh, dự án thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, nước sẽ tràn vào khu vực có địa hình trũng, thấp là tất yếu.
“Tôi sống ở Ninh Kiều trên 40 năm, thời điểm cao độ mặt đường còn thấp hơn bây giờ rất nhiều, nhưng lại không có nước. Còn bây giờ, chúng ta nâng cấp đường cao lên 7- 8 tấc (10cm) nhưng vẫn ngập”, ông Hiểu nói.
Theo ông Hiểu, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, hàng năm, lượng nước từ thượng nguồn sông MêKông đổ về đã ít đi, nhưng tình trạng ngập vẫn cứ tăng và nghiêm trọng. Bởi đồng ruộng đã bị các hệ thống đê bao chặn hết, nước không vào được.
Cần Thơ có diện tích khoảng 141.000 ha, trong đó có khoảng 117.000 ha đất nông nghiệp (trong số này có khoảng 95.000 ha đất lúa). Chỉ riêng dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No đã “bao phủ” khoảng 70.000 ha đất lúa; ngoài ra còn biết bao nhiêu dự án thủy lợi lớn - nhỏ khác...
"Thời kỳ triển khai các dự án này đó là giai đoạn chúng ta còn khó khăn, cần phải trồng lúa đảm bảo lương thực. Nhưng bây giờ giá lúa thấp, giá trị sản phẩm nông nghiệp thấp. Cụ thể tại Cần Thơ, đất lúa chiếm diện tích nhiều hơn các loại đất phi nông nghiệp khác, người trồng lúa cũng đông hơn, nhưng thu nhập của họ chỉ chiếm được 10% trên tổng số thu nhập của toàn thành phố.
Không cần thống kê so sánh cũng có thể thấy, những thiệt hại của đô thị nặng hơn nhiều so với vài ha lúa muộn (lúa vụ 3) mà chúng ta cần phải bảo vệ. Tính sơ bộ, thời điểm gặt lúa muộn thì diện tích chỉ còn khoảng 5.000- 7.000 ha, chưa được 10 tỷ đồng nhưng mà hư hại các đường phố, các kho, bến bãi... có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong tình thế cấp thiết, chúng ta hy sinh lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích lớn, nhưng hiện nay thì ngược lại", ông Hiểu phân tích.
Theo ông Hiểu, trước đây khi những ngành nghề kinh tế chưa phát triển, có thể 1 gia đình 10 người cùng nhau làm 7.000-8.000m2 lúa. Bây giờ 1 người có thể làm cả chục hécta nếu có sự hỗ trợ tốt từ máy móc, công nghệ. Chính vì thế, nếu không có chính sách giải quyết việc làm cho số lao động còn lại sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Do đó, trong định hướng phát triển kinh tế của thành phố cần nhìn nhận lại vấn đề này.
Chiều nay, kỳ họp thứ 9, HĐND TP Cần Thơ sẽ tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ông Dương Tấn Hiển Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, năm 2022, thành phố thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội theo nghị quyết của HĐND thành phố đề ra.
Nổi bật, là tăng trưởng GRDP đạt 12,64% so với năm 2021; hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại; hoạt động thương mại - dịch vụ tăng mạnh; hoạt động du lịch khởi sắc, phục hồi mạnh mẽ, doanh thu ngành du lịch tăng khá cao so với cùng kỳ; tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu của thành phố ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân; sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng và phát triển toàn diện, sản lượng của ngành nông nghiệp vượt kế hoạch đề ra…