Syria chủ trì Hội nghị giải trừ quân bị, Mỹ bỏ họp phản đối

TPO - Tại phiên họp của Hội nghị giải trừ quân bị Geneva diễn ra sáng 29/5, phái đoàn Mỹ đã bỏ về để phản đối việc Syria trở thành chủ tịch luân phiên của Hội nghị này.

Syria đã trở thành chủ tịch luân phiên Hội nghị giải trừ quân bị Geneva của Liên Hợp quốc từ ngày 28/5 và sẽ chủ trì hội nghị này trong 4 tuần.

Đại sứ giải trừ quân bị của Mỹ, Robert Wood nói “Nước Mỹ sẽ không im lặng” và kêu gọi các nước khác cùng lên tiếng về sự tàn ác của Syria.

Theo AFP, ngay trước khi hội nghị diễn ra, Wood nói rằng, sự có mặt của Syria tại Hội nghị giải trừ quân bị Geneva là một sự “châm biếm”. “Syria đã gây ra vô số tội ác đối với người dân Syria khi sử dụng vũ khí hóa học, (do đó) họ lãnh đạo tổ chức này là điều không thể chấp nhận” – Wood nói.

NewYork Times cho biết, khi đại biểu Syria phát biểu khai mạc, Robert Wood cùng phái đoàn Mỹ đã rời khỏi hội trường, nhưng sau đó lại quay trở lại.

Hội nghị giải trừ quân bị là một diễn đàn đa phương toàn cầu duy nhất hiện nay đàm phán về vấn đề giải trừ quân bị. Tiền thân là Ủy ban giải trừ quân bị 18 quốc gia thành lập năm 1962. Năm 1969 được đổi tên thành “Hội nghị ủy ban giải trừ quân bị”. Đến năm 1978 được gọi là “Ủy ban đàm phán giải trừ quân bị” và từ năm 1984 có tên là “Hội nghị đàm phán giải trừ quân bị”.

Có trụ sở đặt tại Geneva,  hội nghị đàm phán giải trừ quân bị chủ yếu thảo luận về Hiệp ước cấm hoàn toàn thử nghiệm vũ khí hạt nhân, chấm dứt chạy đua vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân, ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân và chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ, cấm sản xuất vật liệu chế tạo hạt nhân, bảo đảm an ninh cho các quốc gia phi hạt nhân, minh bạch trong vũ trang quân sự và kiểm soát bom mìn.

Hội nghị giải trừ quân bị mỗi năm tổ chức 3 kỳ hội nghị, bắt đầu vào tuần thứ 2 tháng 1 hàng năm.

Chủ tịch hội nghị do các nước thành viên Liên hợp quốc luân phiên đảm nhiệm, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 4 tuần. Mặc dù không phải một cơ quan trực thuộc Liên Hợp quốc, nhưng Nghị quyết Hội nghị giải trừ quân bị phải được thông qua bởi Đại hội đồng Liên Hợp quốc.

Theo Global Times