Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các tổ chức tài chính gần như không thể gửi tiền vào hoặc ra khỏi nước này, gây ra cú sốc bất ngờ cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của họ, đặc biệt là khách mua dầu khí bằng đô la Mỹ.
Bà Maria Shagina, một nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, năm ngoái viết trong một bài báo cho Trung tâm Carnegie Moscow: “Việc ngắt kết nối (loại Nga khỏi SWIFT) chấm dứt tất cả các giao dịch quốc tế, kích hoạt sự biến động tiền tệ và gây ra dòng vốn lớn chảy ra ngoài. Cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin ước tính năm 2014 rằng, loại trừ Nga khỏi SWIFT sẽ khiến nền kinh tế nước này giảm 5%”.
Đối sách của Nga
Những năm gần đây, Nga đã có những bước đi để giảm thiểu tác động tiêu cực nếu họ bị loại khỏi SWIFT, CNN đưa tin ngày 26/1.
Nga đã thành lập hệ thống thanh toán của riêng mình, SPFS, sau khi bị phương Tây trừng phạt vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Theo ngân hàng trung ương Nga, SPFS hiện có khoảng 400 người dùng. Khoảng 20% lượng chuyển tiền trong nước hiện được thực hiện thông qua SPFS, theo bà Maria Shagina, nhưng dung lượng message bị hạn chế và hoạt động bị giới hạn trong giờ hành chính ngày làm việc.
Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc có thể cung cấp một giải pháp thay thế khác cho SWIFT. Nga cũng có thể buộc phải sử dụng tiền điện tử.
“SWIFT là một công ty châu Âu, một hiệp hội của nhiều quốc gia tham gia. Để đưa ra quyết định về việc ngắt kết nối (loại bỏ Nga), cần có một quyết định thống nhất của tất cả các quốc gia tham gia. Các quyết định của Mỹ và Anh chắc chắn là không đủ”, hãng tin Nga TASS dẫn lời Phó chủ tịch Thượng viện Nga Nikolai Zhuravlev.
Nga cũng có thể phản ứng bằng cách dừng đưa dầu mỏ, khí đốt và kim loại đến châu Âu. “Nếu Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, thì chúng tôi sẽ không nhận được ngoại tệ, nhưng người mua, trước hết là các nước châu Âu, sẽ không nhận được hàng hóa của chúng tôi, gồm dầu mỏ, khí đốt, kim loại và các thành phần quan trọng khác”, ông Zhuravlev nói.
Hơn 11.000 tổ chức tài chính tham gia SWIFT
Theo thông báo trên website của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (tiếng Anh là Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication, viết tắt: SWIFT), tính đến cuối tháng 1, có hơn 11.000 tổ chức tài chính ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ kết nối với SWIFT.
SWIFT cung cấp một mạng lưới cho phép các tổ chức tài chính trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, tiêu chuẩn và đáng tin cậy. Tổ chức này được thành lập ngày 3/5/1973 tại Bỉ với sự tham gia của 239 ngân hàng ở 15 nước.
Để trở thành thành viên của SWIFT, các tổ chức tài chính phải đáp ứng đầy đủ điều kiện, bao gồm các văn bản theo yêu cầu của SWIFT và hệ thống kết nối phổ biến nhất. SWIFT giúp các ngân hàng trên thế giới (thành viên của hiệp hội này) chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin. Mỗi thành viên được cấp 1 mã giao dịch gọi là SWIFT code.
Các thành viên trao đổi thông tin/chuyển tiền cho nhau dưới dạng các SWIFT message, là các bức điện được chuẩn hóa dưới dạng các trường dữ liệu, ký hiệu để máy tính có thể nhận biết và tự động xử lý giao dịch. Theo thông tin trên website của SWIFT, có hơn 41,4 triệu message được thực hiện ngày 13/1, nâng tổng số message từ đầu tháng 1 đến nay lên 354 triệu.
SWIFT cung cấp các dịch vụ truyền thông bảo mật và phần mềm giao diện cho các ngân hàng, tổ chức tài chính. Phương châm hoạt động của hiệp hội là phục vụ các ngân hàng, chứ không phải là lợi nhuận.
Tuy nhiên trên thực tế, sự phát triển trong kinh doanh của SWIFT là một con số rất lớn. Theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, một bài toán nhỏ có thể tính được doanh thu 1 ngày của SWIFT trung bình ít nhất là 200 triệu USD, vì giá một bức điện SWIFT trung bình là 0,25 USD (giá này tùy thuộc vào lượng bức điện giao dịch 1 ngày và hệ thống phiên bản ứng dụng SWIFT đang sử dụng).
Do tính chất là điều khiển luồng tiền của cả thế giới nên tính bảo mật của SWIFT rất cao, hacker chưa bao giờ tấn công thành công vào hệ thống này, theo nhiều ngân hàng trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2016, một vụ trộm 81 triệu USD từ ngân hàng trung ương Bangladesh thông qua tài khoản của ngân hàng này tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Mỹ) được truy nguồn tới tin tặc xâm nhập phần mềm Alliance Access của SWIFT, báo Mỹ The New York Times đưa tin.
Trong hoạt động thanh toán quốc tế (TTQT) của các ngân hàng thương mại, các phương tiện truyền tin chủ yếu được sử dụng gồm: thư tín, telex và SWIFT. Thư tín là phương tiện truyền tin từ khi mới hình thành nghiệp vụ TTQT. Đến nay, phương tiện này vẫn còn đang được sử dụng nhưng không phổ biến.
Ở Việt Nam, một số ngân hàng vẫn sử dụng phương tiện này trong những trường hợp đặc biệt như: không sử dụng Telex hoặc chưa được phép tham gia hệ thống SWIFT, theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Telex là phương tiện công cộng nên bản thân nó không an toàn, chưa có một chuẩn chung cho các giao dịch TTQT. Hiện nay các ngân hàng ít sử dụng phương tiện này trong TTQT mà chỉ sử dụng như một phương tiện thay thế trong trường hợp trục trặc về đường truyền cáp quang.
Trong khi đó, truyền thông tin qua SWIFT rất hiệu quả, hầu như khắc phục được những nhược điểm của hai phương tiện truyền thông trên. Đây là phương tiện đang được sử dụng phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Phương tiện này không những áp dụng cho TTQT mà còn cho thanh toán trong nước.
Ưu điểm của SWIFT
Theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các ngân hàng trên thế giới đều sử dụng hệ thống SWIFT do những ưu điểm vượt trội của của nó.
-Đây là một mạng truyền thông chỉ sử dụng trong hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính nên tính bảo mật cao và an toàn.
-Tốc độ truyền thông tin nhanh cho phép có thể xử lý được số lượng lớn giao dịch.
-Chi phí cho một điện giao dịch thấp so với thư tín và Telex vốn là phương tiện truyền thông truyền thống.
-Sử dụng SWIFT sẽ tuân theo tiêu chuẩn thống nhất trên toàn thế giới. Đây là điểm chung của bất cứ ngân hàng nào tham gia SWIFT có thể hòa đồng vào với cộng đồng ngân hàng trên thế giới.
Tuy SWIFT là một trong các phương tiện truyền tin TTQT chính nhưng không phải là phương tiện duy nhất mà vẫn phải sử dụng các phương tiện truyền tin khác. Trong trường hợp chuyển bộ chứng từ TTQT tới ngân hàng ở nước chưa tham gia SWIFT, vẫn phải sử dụng thư tín. Hoặc khi chuyển một bức điện tới ngân hàng ở đó cũng vậy, người ta vẫn phải sử dụng phương tiện truyền tin bằng thư tín.
Mỗi ngân hàng tham gia vào SWIFT đều được xác định bởi một địa chỉ BIC (Bank Identifier Code – BIC, tức mã xác định ngân hàng) cụ thể. Thông qua địa chỉ này, các ngân hàng có thể trao đổi nghiệp vụ TTQT và các dịch vụ khác do SWIFT cung cấp.
Địa chỉ BIC có hai loại, loại 8 ký tự dùng cho các ngân hàng độc lập và loại 11 ký tự dùng cho các chi nhánh. Ngoài ra, không có loại nào khác.
Kết cấu của địa chỉ SWIFT gồm hai loại: 8 ký tự XXXX XX XX (ngân hàng-nước/vùng lãnh thổ-khu vực) và 11 ký tự (thường được dành cho các chi nhánh giống như loại 8 ký tự nhưng có thêm ba ký tự phía sau để phân biệt chi nhánh).
Tất cả các mẫu điện được phân chia thành 9 nhóm, mỗi nhóm được sử dụng cho một phương thức TTQT hoặc một loại giao dịch ngân hàng quốc tế
-Nhóm 1: Sử dụng cho chuyển tiền phục vụ khách hàng
-Nhóm 2: Sử dụng cho chuyển tiền cho các tổ chức tài chính
-Nhóm 3: Sử dụng cho mua bán ngoại tệ
-Nhóm 4: Sử dụng trong phương pháp nhờ thu
-Nhóm 5: Sử dụng cho các giao dịch về chứng khoán
-Nhóm 6: Sử dụng cho các giao dịch về quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ
-Nhóm 7: Sử dụng cho thư tín dụng và bảo lãnh
-Nhóm 8: Sử dụng cho séc du lịch
-Nhóm 9: Sử dụng cho điện tự do và trao đổi test key
Trong mỗi nhóm điện lại bao gồm nhiều mẫu điện sử dụng cho từng trường hợp khác nhau. Ví dụ ở nhóm 7, có 700 và 701: phát hành L/C (thư tín dụng), 707: tu chỉnh L/C…
Mỗi một bức điện SWIFT gồm 3 phần. Phần đầu điện bao gồm các thông tin về loại điện giao dịch; ngân hàng gửi và ngân hàng nhận điện; giờ gửi và giờ nhận điện; xác nhận tình trạng điện; tham chiếu điện gửi và điện nhận. Phần nội dung điện (Text) chứa đựng nội dung giao dịch, bao gồm các trường với các khuôn định dạng và các tiêu chuẩn được quy định bởi tổ chức SWIFT. Phần kiểm tra khóa SWIFT chỉ ra kết quả kiểm tra mã SWIFT tại Sở giao dịch và ngân hàng đại lý.
Tiêu chuẩn thành viên
Theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, để trở thành thành viên của SWIFT, các ngân hàng, tổ chức tài chính phải đáp ứng đầy đủ điều kiện, bao gồm cả các văn bản theo yêu cầu của SWIFT.
Bước 1: Thành viên SWIFT gồm ba nhóm tổ chức chính.
Nhóm 1: Các tổ chức tài chính có sự kiểm soát (SFI), bao gồm hai loại hình:
-Tổ chức cam kết hoạt động và có các dịch vụ trong lĩnh vực thanh toán, chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm hoặc đầu tư. Các tổ chức này phải có hai tiêu chí sau: được cấp phép hoặc được ủy quyền hoặc được đăng ký bởi cơ quan quản lý thị trường tài chính; được kiểm soát bởi cơ quan quản lý thị trường tài chính.
-Tổ chức quốc tế, siêu quốc gia, liên kết giữa các chính phủ hoặc thuộc chính phủ có các dịch vụ và hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán, chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và đầu tư (bao gồm các ngân hàng trung ương).
Nhóm 2: Các tổ chức hoạt động trong ngành tài chính không có sự kiểm soát của cơ quan quản lý thị trường tài chính, bao gồm hai loại hình sau:
-Tổ chức thực hiện các dịch vụ và hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán, chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm hoặc đầu tư cho tổ chức tài chính có kiểm soát của cơ quan quản lý tài chính (SFI) và/hoặc cho bên thứ ba không liên quan đến tổ chức không có kiểm soát này.
-Tổ chức hoạt động với mục đích chính là cung cấp dịch vụ cho tổ chức tài chính có kiểm soát của cơ quan quản lý thị trường tài chính (SFI) và/hoặc bên thứ ba không liên quan đến tổ chức không có sự kiểm soát. Các dịch vụ của tổ chức này bao gồm dịch vụ hỗ trợ giao dịch tài chính thông qua các phương tiện thông tin và xử lý thông tin; dịch vụ yêu cầu gửi điện giao dịch dưới tên của tổ chức tài chính không kiểm soát (NSE).
Hai loại hình tổ chức trên sẽ không bị kiểm soát bởi cơ quan quản lý thị trường tài chính; là tổ chức thành lập hợp pháp, có tổ chức hợp lý, đầy đủ và quy củ; có tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động theo đúng các quy định và luật ban hành; và phải được kiểm toán định kỳ phù hợp với tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế và phải được một công ty kiểm toán độc lập thực hiện.
Nhóm 3: Doanh nghiệp và các tổ chức khác (bao gồm doanh nghiệp, cơ quan quản lý thị trường tài chính, tổ chức tham gia hệ thống thanh toán, công ty cung cấp dữ liệu thị trường chứng khoán, công ty tham gia hệ thống giao dịch chứng khoán…).
Bước 2: Trước khi gia nhập và đặt hàng, các tổ chức phải:
-Chuẩn bị bản sao công chứng giấy phép hoạt động, hoặc giấy chứng nhận hợp nhất được dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
-Lên danh sách chữ ký người có quyền sử dụng SWIFT.
-Tham khảo ngày bắt đầu gia nhập và ngày bắt đầu đi vào hoạt động. Ngày bắt đầu gia nhập SWIFT không bao gồm thời gian mà Nhóm thành viên quốc gia của SWIFT kiểm tra và xác minh tính xác thực các tiêu chí mà tổ chức nộp đơn gia nhập gửi đến cũng như thời gian gửi các thông tin này lên Ban Quản lý Thành viên SWIFT.
Thời gian được tính khi Ban Quản lý thành viên SWIFT trình bày kết quả đã được xác minh và kiểm tra lên Ban Giám đốc SWIFT để Ban Giám đốc cho kết luận cuối cùng. Quy trình này có thể mất một vài tuần.