Người lao động cần cân nhắc
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014 về BHXH một lần là quy định phù hợp với xu hướng phát triển chung và bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động khi về già có lương hưu. Tuy nhiên, khi Luật BHXH năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận người lao động chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006.
“Thực tế, do đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương còn thấp nên người lao động muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt, chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già. Nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn”, bà Chuyền lý giải.
Để đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động, theo bà Chuyền, Chính phủ thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006. Bà Chuyền cũng khuyến cáo người lao động nên hiểu rõ các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH và hết sức cân nhắc, thận trọng khi quyết định lựa chọn hưởng BHXH một lần để bảo đảm cuộc sống khi về già có lương hưu.
Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại Cty giày vải Thượng Đình, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đảm bảo quyền thụ hưởng lâu dài
Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2007-2014, trong nhóm đối tượng thuộc diện hưởng BHXH 1 lần (đóng bảo hiểm chưa đủ 15 năm), có 80% rút tiền một lần, chỉ có 20% để lại và đóng thêm để hưởng lương hưu. Trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 người hưởng BHXH 1 lần và đang có xu hướng tăng. Năm 2007 con số này là 129.100 người, năm 2010 tăng lên 498.122 người, và năm 2014 lên tới 605.783 người. Thực tế này chưa khuyến khích người lao động tích lũy để hưởng lương hưu khi về già. Do đó, Điều 60 của Luật BHXH 2014 ra đời, để người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy để hưởng lương hưu khi về già.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, khi hưởng lương hưu người lao động sẽ được đóng bảo hiểm y tế miễn phí. Ngoài ra, trong thời gian bảo lưu BHXH, không may người lao động từ trần, người thân sẽ được hưởng chế độ tử tuất (gồm tiền trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, trợ cấp tuất hằng tháng hoặc 1 lần với mức bằng trợ cấp BHXH 1 lần).
Tán thành với đề xuất của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng cho rằng, trước mắt nên cho phép người lao động, nếu có nguyện vọng, được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH. Tuy nhiên, thời gian tới, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần, giảm dần số người không có lương hưu khi về già. Theo thống kê của Ủy ban về các vấn đề xã hội năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu.
“Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, cơ quan BHXH các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chính sách, pháp luật BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng thu gom sổ BHXH của người lao động gặp khó khăn để lấy tiền BHXH một lần”, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nhấn mạnh.
ĐBQH Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:
Đóng BHXH để hưởng hưu trí sẽ có lợi hơn
Về lâu dài, Điều 60 như thế là phù hợp, có lợi cho người lao động nên chúng tôi mới đồng tình. Nhưng có những người lao động vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động được nữa, và họ cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác… Do vậy chúng ta phải giải quyết theo nguyện vọng cho phù hợp.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tuyên truyền cho người lao động hiểu nếu tiếp tục đóng BHXH để hưởng hưu trí sẽ có lợi hơn, nhưng cũng phải thông cảm hơn cho người lao động vì họ không thể tiếp tục đóng được. Nên để cho người lao động họ có quyền lựa chọn phương án phù hợp nhất cho mình.
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Linh hoạt để người lao động có quyền lựa chọn
Điều 60 Luật BHXH hoàn toàn xuất phát từ lợi ích an sinh của người lao động. Nhưng khi người lao động khó khăn và mong muốn được hưởng bảo hiểm một lần như thế thì phải sửa theo mong muốn của họ. Luật pháp xây dựng ra là để bảo vệ người lao động chứ không phải dành cho người làm luật. Khi người lao động chưa hoàn toàn thỏa mãn, thấy chưa được thì cũng cần có thời gian để họ suy nghĩ, xem cái nào có lợi nhất.
Dũng Nguyễn (ghi)