Lỗi do Bảo hiểm Y tế, bắt dân chịu?

Sự vòng vo của lãnh đạo BHXH Việt Nam

TP - Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, những người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục, đủ điều kiện miễn chi phí khám chữa bệnh, nhưng chưa được hưởng sẽ được xem xét bồi hoàn. Tuy nhiên, người thụ hưởng vẫn phải đi đòi dù lỗi từ phía BHXH. Lạ lùng nhất, hàng năm cơ quan bảo hiểm chi nhiều tỷ đồng tuyên truyền, nhưng gần như người dân mơ hồ với chính sách mới. Đã thế, BHXH lại còn đề xuất chi 7.000 tỷ đồng tuyên truyền tiếp…
Nhiều người dân tham gia BHYT 5 năm liên tục vẫn chưa biết về quyền lợi mình đáng được hưởng. Ảnh: Như Ý.

Muốn được hưởng phải tự đi đòi

Chiều 24/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Việc xem xét bồi hoàn tiền đồng chi trả phí khám chữa bệnh đáng lẽ được miễn với người tham gia BHYT 5 năm liên tục đủ điều kiện (nhưng chưa được miễn) phải có thời gian. “Phải xem nguyên nhân (chưa được miễn - PV) thuộc về ai. 

Nếu nguyên nhân do cơ quan bảo hiểm, phải tổng hợp, báo cáo và đề xuất hướng giải quyết với liên Bộ Tài chính - Y tế”, ông Sơn nói.  Theo ông Sơn, Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, hạn cuối giải quyết chế độ trong 1 năm là hết quý I năm liền kề sau đó. Nên theo vị lãnh đạo này, với người đủ điều kiện được miễn chi phí khám chữa bệnh trong năm 2015 nhưng chưa được hưởng, tới nay đã hết thời hạn giải quyết, phải đợi xin ý kiến cơ quan quản lý.

Theo ông Sơn, nếu ai vì lý do khách quan chưa được miễn tiền đồng chi trả BHYT (dù đủ điều kiện), có thể mang chứng từ, hóa đơn viện phí tới cơ quan BHXH để được giải quyết, thanh toán trực tiếp. “Dù chúng tôi đã triển khai chính sách này tới các địa phương, nhưng người dân vẫn phải chủ động mang hóa đơn tới cơ quan BHXH. Do liên quan tới chi phí khám chữa bệnh lũy kế, thời gian tham gia BHYT”, ông Sơn nói.

Để khác phục sai sót khi cấp thẻ BHYT, BHXH Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo BHXH các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra lại toàn bộ dữ liệu thẻ BHYT. Nếu thẻ BHYT nào đủ điều kiện nhưng chưa có dòng chữ “Thời điểm đủ 05 năm liên tục:từ ngày...” phải cấp đổi cho người dân. Theo BHXH Việt Nam, việc này do BHXH chủ động thực hiện. Nhưng người tham gia BHYT 5 năm liên tục thấy cần thiết có quyền yêu cầu BHXH kiểm tra, cấp đổi.

Đã kém hiệu quả lại đòi chi 7.000 tỷ đồng

Đánh giá về triển khai chính sách miễn chi phí khám chữa bệnh với người đã tham gia BHYT 5 năm liên tục, số tiền đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, một cán bộ quản lý tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Dù chính sách có hiệu lực từ năm 2015, nhưng khi thực hiện còn nhiều người mơ hồ, thậm chí không biết. 

“Đây là chính sách tốt, nhưng mọi người ít biết do công tác truyền thông về chính sách này chưa tốt, chưa đi trước, cùng và sau quá trình thực hiện. Đồng thời, Luật BHYT sửa đổi có nhiều chính sách khác được quan tâm hơn, nên chính sách này chưa được quan tâm tuyên truyền đúng mức. Cũng có phần do người dân ít quan tâm tìm hiểu chính sách”, ông đánh giá.

Để hỗ trợ thực hiện chính sách đầy đủ với người bệnh, được biết Bệnh viện Bạch Mai phải tự bỏ tiền túi xây dựng, xuất bản cẩm nang chế độ BHYT để phổ biến cho cán bộ trong bệnh viện. Việc này không được BHXH hỗ trợ về kinh phí.

 Trong khi đó, ông Phạm Lương Sơn cho biết, trách nhiệm tuyên truyền chính sách BHYT có cả phần của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng có riêng bộ máy, được ngân sách nhà nước và Quỹ BHYT hỗ trợ kinh phí tuyên truyền. Chỉ từ Luật BHYT sửa đổi 2014 mới giao thêm nhiệm vụ tuyên truyền cho BHXH Việt Nam. 

“Nếu nói thiếu kinh phí tuyên truyền là không đúng, còn nói không tuyên truyền thì rất oan ức cho cơ quan bảo hiểm”, ông Sơn nói. Ông Sơn liệt kê hàng loạt công tác tuyên truyền như, ký kết tuyên truyền với 11 bộ ngành, tổ chức xã hội; 50 báo đài uy tín; ngoài ra còn các lớp tập huấn, buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách tới từng nhóm người lao động, người thực hiện chính sách… Thậm chí, còn xây dựng đề án tuyên truyền BHYT giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí lên tới 7.000 tỷ đồng (đề án này chi phí quá lớn nên đang rà soát lại).

Dù vậy, lãnh đạo BHXH Việt Nam thừa nhận, việc kiểm tra công tác tuyên truyền chưa sâu sát, thương xuyên và còn hạn chế, nên có nơi, có lúc chưa đạt yêu cầu.

Theo Luật BHYT sửa đổi, từ 1/1/2015, người đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có tổng số tiền khám chữa bệnh trong 1 năm tài chính vượt quá 6 tháng lương cơ sở (tức vượt 7,26 triệu đồng, mức lương cơ sở từ ngày 1/5/2016 là 1,21 triệu đồng); khám chữa bệnh đúng tuyến, sau khi cùng chi trả 7,26 triệu đồng, phần vượt hơn người bệnh sẽ được Quỹ BHYT chi trả toàn bộ.