Sóng ngầm Ukraine đang trực tuôn trào

TPO - Cựu Giám đốc CIA đề nghị phương Tây cung cấp tên lửa cho Ukraine; Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi Phương Tây cung cấp vũ khí, đồng thời gia tăng danh sách trừng phạt các cá nhân và công ty Nga bị cáo buộc chịu trách nhiệm về cuộc nổi dậy tại Đông Ukraine và việc Moskva sáp nhập Crimea...Tất cả động thái khiến các con sóng ngầm ở Ukraine luôn trực trỗi dậy.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Kêu gọi Phương Tây cung cấp vũ khí

Theo AFP đưa tin, ngày 14/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kêu gọi muốn nhận "vũ khí phòng thủ" từ các đồng minh Phương Tây để hỗ trợ cuộc xung đột với lực lượng ly khai. 

Trả lời phỏng vấn nhật báo khuynh hướng bảo thủ Die Welt của Đức, Tổng thống Poroshenko tuyên bố Ukraine cần sự ủng hộ "không chỉ bằng lời nói" mà cần có các vũ khí phòng thủ.

​Ông này nêu rõ: "Chúng tôi không chỉ đang bảo vệ đất nước, chúng tôi đang bảo vệ tự do và dân chủ. Chúng tôi đang chiến đấu bằng các vũ khí của thế kỷ 20 chống lại vũ khí từ thế kỷ 21. Và ngân sách quốc phòng của Nga lớn gấp 30-45 lần của chúng tôi." 

Kiev và Phương Tây cáo buộc Nga triển khai quân đội chính quy và vũ khí tới hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, nơi đã chứng kiến gần 8.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột kể từ năm 2014. Tuy nhiên, Moskva bác bỏ cáo buộc này.

Đề nghị cấp tên lửa cho Ukraine

Cựu Giám đốc CIA đề nghị phương Tây cung cấp tên lửa cho Ukraine

Theo hãng Ria Novosti, cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus đã lên tiếng yêu cầu các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine các tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin để đương đầu với lực lượng ly khai. 

Yêu cầu trên được ông David Petraeus đưa ra trong một phiên họp thường niên của Diễn đàn “Chiến lược châu Âu Yalta” được tổ chức tại Kiev, Ukraine. Theo đó, Petraeus lên tiếng đề nghị các nước châu Âu xem xét để cung cấp các loại vũ khí hiện đại nhất cho Ukraine, trong đó có các tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin FGM-148.

Được biết, tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai Javelin FGM-148 là loại vũ khí do Mỹ sản xuất từ năm 1986. Thế hệ thứ ba của loại vũ khí này đã được trang bị cho quân đội Mỹ từ năm 1996. 

Javelin FGM-148 được sử dụng để tiêu diệt các loại xe bọc thép, các căn cứ được bảo vệ vững chắc như các boong-ke, tiêu diệt các mục tiêu bay ở tầm thấp (trực thăng, thiết bị bay không người lái). 

Tầm bắn của loại vũ khí này là từ 50-2.500 m, phá hủy được lớp bọc thép có độ dày 750 mm với vận tốc tối đa của tên lửa đạt 300 m/s.

Loại vũ khí này đã được xuất khẩu sang một loạt các nước châu Âu, châu Á, Cận Đông và châu Úc với giá thành mỗi tổ hợp là 170.000 USD. Ưu điểm của Javelin là có khả năng dẫn đường tên lửa đến mục tiêu trong các điều kiện thời tiết phức tạp và sử dụng tốt ngay cả ban đêm.

Mỹ dự định cấp vũ khí tầm trung và tầm ngắn cho Ukraine

Mỹ dự định cấp vũ khí tầm trung và tầm ngắn cho Ukraine

Sputnik đưa tin, Tướng Mỹ David Petraeus ngày 12/9 tuyên bố rằng Washington có thể chuyển giao các vũ khí tầm trung và tầm ngắn cho Ukraine, theo đó sẽ giúp quân đội Ukraine "tự tin hơn."

Ông Petraeus nêu rõ: "Chúng tôi đã giúp rất nhiều và sẽ làm tất cả để quân đội Ukraine được sự hỗ trợ khác nhau. Về hỗ trợ vũ khí, nhiều khả năng sẽ là các trang bị tầm ngắn và tầm trung. Như vậy không làm thay đổi diễn tiến cuộc chiến, nhưng sẽ cho phép quân đội Ukraine được vững tin hơn."

Theo một quan chức cấp cao của Ukraine tại NATO, nước này sẽ tiếp tục thuyết phục các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí phòng thủ nếu thoả thuận Minsk thất bại.

Việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine đã là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất đối với chính quyền các nước phương Tây do Nga luôn cảnh báo rằng, nó có thể làm leo thang căng thẳng và gây hại tới an ninh vực. 

Ukraine đã nhiều lần xin Mỹ và các nước NATO cung cấp thêm các loại vũ khí sát thương nhưng chưa có một nước nào đồng ý với việc này. 

Hiện những hỗ trợ của phương Tây mới chỉ dừng lại ở các loại khí tài phi sát thương như kính nhìn đêm, túi ngủ, áo chống đạn và máy bay không người lái hoặc xe Humvee. 

Ngoài ra, NATO cũng gửi binh sĩ sang Ukraine để huấn luyện về chiến thuật chiến đấu, quân y hoặc tập trận chung.

Theo lời của đại sứ Bozhok, Ukraine cần các loại vũ khí này không chỉ đề phòng cho các xung đột có thể bùng nổ trở lại với lực lượng li khai mà còn do lo sợ phải hứng chịu một đợt tấn công quân sự từ phía Nga.

Tổng thống Ukraina sẽ bị thay thế?

Mỹ huấn luyện binh sĩ Ukraina trong đợt tập trận chung năm 2015.

Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nhận định, Washington không chắc sẽ viện trợ quân sự cho Kiev, bởi Mỹ không quan tâm đến sự thành công, mà chỉ có ý định sử dụng cuộc xung đột tại Ukraine làm đòn bẩy cho sự ảnh hưởng của Mỹ ở EU.

"Đối với viện trợ quân sự cho Ukraine, tôi nghĩ đó không phải là điều nên hy vọng. Washington không cần sự thành công quân sự của Ukraina, bởi vì họ không quan tâm đến sự thịnh vượng kinh tế của đất nước này", ông Nikolai Patrushev nói hôm 15/9.

Ông Patrushev lưu ý, Mỹ đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến các chính trị gia hàng đầu Ukraine, và lợi dụng tình huống khủng hoảng ở đất nước, kể cả cuộc xung đột quân sự tại Donbass vì mục đích địa chính trị của riêng mình.

"Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại Nga, nước luôn thực thi các chính sách đối nội và đối ngoại độc lập. Trong khi đó, Nhà Trắng luôn nhấn mạnh sự phụ thuộc vào Châu Âu khi đưa ra các quyết định về quan hệ quốc tế", ông Patrushev nói.

"Cuộc chiến ở Ukraine cho Mỹ cơ hội gây tác động triệt để đến các chính sách của EU, và chứng tỏ chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ trong việc giải quyết bất kỳ vấn đề nào ở mọi khu vực trên thế giới" - người đứng đầu Hội đồng An ninh nói với phóng viên.

Ông Patrushev cũng cho biết, theo thông tin ông có được, tất cả các quyến định về nhân sự ở Kiev chỉ được đưa ra sau khi có sự chấp thuận của Mỹ. "Nếu không tuân thủ sẽ dẫn đến việc thay thế Tổng thống Ukraina và nội các bằng các chính trị gia biết nghe lời Washington".

"Mỗi chuyến thăm Ukraine của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Châu Âu và Âu Á, Victoria Nuland là một bằng chứng cho thấy Ukraine không phải là một quốc gia độc lập, mà vẫn nằm dưới sự quản lý của Washington. 

Rõ ràng, những chuyến thăm này không nhằm tham vấn về an ninh khu vực, mà là truyền đi những mệnh lệnh trực tiếp để các nhà lãnh đạo Ukraine biết phải hành động thế nào" - ông Patrushev nói, và bổ sung rằng Mỹ hiện đang theo đuổi những mục tiêu tương tự như ở Bắc Phi và Trung Đông.

Ngày 16/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã mở rộng một danh sách trừng phạt nhằm vào các cá nhân và công ty Nga bị cáo buộc chịu trách nhiệm về cuộc nổi dậy tại Đông Ukraine và việc Moskva sáp nhập Crimea. Có khoảng 400 quan chức và 90 công ty của Nga nằm trong danh sách này.

Quốc hội Ukraine cùng ngày đã nhất trí bỏ phiếu thông qua văn bản khuyến nghị Liên hợp quốc tước quyền phủ quyết của Nga, vốn cho phép Moskva ngăn chặn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, trong trường hợp các cuộc xung đột diễn ra đặc biệt ác liệt.