Khu vực chân núi Chụt (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) có khoảng 200 hộ dân đang sinh sống trong những căn nhà dựng tạm bợ, chênh vênh trên vách núi. Phần lớn người dân ở đây là lao động tự do, có hoàn cảnh khó khăn và không có điều kiện mua hoặc thuê nhà. Vì thế, họ đành mua đất núi với chi phí thấp, giấy tờ viết tay với mong muốn có chỗ che nắng, che mưa qua ngày.
Để đến được “tổ ấm” của mình, bất kể người già hay trẻ nhỏ đều phải leo lên những dốc đá nhỏ xíu, khúc khuỷu được xây tạm bợ. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, chị Nguyễn Thị Lại (ở tổ 3 Trường Hải, phường Vĩnh Trường) phải để xe dưới chân núi, nâng từng bước chân mệt mỏi để về nhà nghỉ ngơi.
Vợ chồng chị Lại cùng 2 con nhỏ đang sống trong căn nhà vỏn vẹn hơn 10 m2. Nhà nhỏ, người đông khiến việc sinh hoạt hàng ngày như ăn, ngủ hay học tập của các con đều vô cùng bất tiện. Đáng nói, ngay cả một trong những điều kiện sống cơ bản nhất như nhà vệ sinh gia đình chị Lại cũng không có, phải sử dụng nhờ các nhà xung quanh.
Ở khu vực núi cao nên việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt cũng vô cùng khó khăn. Chị Lại kể gia đình chị muốn có nước sinh hoạt phải tự bắt đường ống dài 100 m xin bơm nước từ một hộ dân trong làng về sử dụng với chi phí cao hơn giá nhà nước. Có lần ống nước bắt ngang qua đường bị ô tô cán bể khiến gia đình chị rất khổ sở.
“Tôi rất mong được hỗ trợ nơi tái định cư tốt hơn hoặc ít nhất được tạo điều kiện có nguồn nước sinh hoạt để cuộc sống ổn định phần nào”, chị Lại tâm sự.
Trong khi đó, bà Võ Thị Bích Tuyết (50 tuổi, cùng ở tổ 3 Trường Hải) đã sống gần 15 năm trên vách núi Chụt. Trước đây bà Tuyết chỉ dựng chòi ở tạm nhưng đã bị đổ sập trong đợt mưa bão. Sau đó, bà được các mạnh thường quân hỗ trợ xây một căn nhà bằng tôn kiên cố hơn. Đến mùa mưa bão, bà Tuyết lại được chính quyền địa phương đến vận động di dời ra khỏi nhà vì sợ sạt lở đất, nguy hiểm đến tính mạng.
Nhà bà Tuyết cũng xây ở vị trí quá cao so với mặt đường nên chưa thể tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Muốn sử dụng bà phải xin dùng chung nguồn nước ở các nhà bên dưới rồi bắt ống kéo nước lên.
“Kéo nước từ dưới đó lên đây yếu lắm, tôi phải tranh thủ khoảng thời gian ít người sử dụng rồi khóa van nước của nhà dưới đó mới có thể bơm lên đây được, bơm xong lại phải xuống mở lại cho người ta. Mỗi lần trời tối mà leo lên, leo xuống để bơm nước tôi cũng sợ té lắm”, bà Tuyết chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Danh - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường - cho biết các hộ dân sống trên núi Chụt chủ yếu dùng nước máy được bơm truyền hoặc dùng chung với các hộ phía dưới chân núi. Năm 2014, địa phương có gửi văn bản đề nghị Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa khảo sát để lắp đặt hệ thống cấp nước cho các hộ dân trên núi Chụt. Nhưng khu vực này nằm trên núi, có nguy cơ sạt lở nên công ty phúc đáp không đủ áp để đưa nước lên cao.
“Đến năm 2016, các phòng, ban của UBND TP Nha Trang đã phối hợp với UBND phường Vĩnh Trường khảo sát, kiểm đếm các hộ dân trên núi Chụt để đề xuất phương án di dời. UBND TP. Nha Trang dự kiến xây chung cư tại xã Phước Đồng để bố trí tái định cư nhưng đến nay dự án chưa được thực hiện”, ông Danh cho hay.