Sông Hồng ký sự - Kỳ 6: Mênh mang Bạch Hạc

TP - Ba con sông, Hồng, Đà, Lô rong ruổi ở các tỉnh miền núi rồi cũng về đến đồng bằng. Với sự sắp đặt của tạo hóa, ba con sông gặp nhau, hòa hợp tại ngã ba Bạch Hạc. Thu phục được Đà giang và Lô giang, sông Hồng từ đây trở thành “nhân vật” chính của đồng bằng Bắc bộ…

Nơi “sơn chầu thủy tụ”

Bạch Hạc là nơi “tam giang tụ hội”. Tam giang ở đây đều là những con sông trọng yếu. Sông Hồng của chúng ta, như đã đề cập, bắt nguồn từ núi Ngụy Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) chảy vào Việt Nam tại thôn Lũng Pô (xã A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai) chảy miết qua Yên Bái rồi về đến vùng giáp ranh giữa Phú Thọ và Hà Nội này.

Sông Đà “nhập cảnh” vào đất Việt tại xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu, chảy xuyên những vách núi đá, gầm gào qua những ghềnh thác rồi cũng về xuôi. Có một câu chuyện địa lý khá thú vị chúng tôi muốn nói lại ở đây: Giữa sông Đà và sông Hồng chính là Hoàng Liên Sơn - dãy núi lớn nhất ở phía Bắc, chạy từ Tây Bắc xuống Đông Nam (hướng ra biển Đông). Khi dãy Hoàng Liên Sơn kết thúc, gần quãng hồ Hòa Bình hiện nay, dòng Đà giang không còn bị chặn đường ra biển nên đã có cú bẻ “cua tay áo” chảy ngược hướng Bắc để hợp lưu với sông Hồng tại khu vực cầu Trung Hà, ranh giới giữa Hà Nội và Phú Thọ.

Hai con sông dìu nhau một quãng chỉ khoảng hơn 10 km thì gặp con sông thứ ba là sông Lô, tạo ra ngã ba sông - chính là ngã ba Bạch Hạc này. Sông Lô - con sông thứ 3 hợp lưu tại Bạch Hạc bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc, vào Việt Nam tại xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) rồi chảy dọc địa phận tỉnh Hà Giang, qua Tuyên Quang rồi về vùng Bạch Hạc.

Tại ngã ba Bạch Hạc có đền Tam Giang nằm bên bờ sông Lô, được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ VII. Lịch sử ghi lại, trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, triều đình nhà Trần nhiều lần chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ. Vào rằm tháng Giêng năm Ất Dậu (1285), tướng quân Trần Nhật Duật cắt tóc thề với thần linh, tổ tiên nguyện đem hết lòng trung thành để báo ơn vua rồi chỉ huy binh sĩ ra trận, kiên cường mưu trí ngăn cản bước tiến công và tiêu hao sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần năm 1287.

Nói về vẻ đẹp của ngã ba Bạch Hạc, từ thời Lê Trung Hưng, Thượng thư Nguyễn Bá Lân (1701-1785) có bài “Ngã ba Hạc phú” bằng chữ Nôm. Trong đó, có những câu miêu tả cảnh tượng sông nước đa sắc màu hợp nguồn hùng vĩ, vừa đẹp, vừa lạ đến mê mẩn: Vui thay! Ngã ba Hạc; vui thay! Ngã ba Hạc/ Dưới họp một dòng; trên chia ba ngác/ Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào/ Lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc...

Cùng tham quan, vãn cảnh các di tích tại Bạch Hạc, anh Nguyễn Nga Việt, Phó Phòng Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho hay, Bạch Hạc không chỉ là nơi “thủy tụ” mà còn là nơi “sơn chầu”. Từ Bạch Hạc nhìn về phía Đông Nam, bên tả là dãy Tam Đảo trùng điệp, bên hữu là dãy núi Ba Vì cao ngất, tạo nên “bồng lai tiên cảnh”.

Ngã ba Bạch Hạc, nơi thuyền bè sầm uất

“Nói về ngã ba Bạch Hạc không chỉ có truyền thuyết dân gian, mà còn có nhiều tài liệu, chính sử ghi lại. Trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí” có ghi, Bạch Hạc nguyên là đất Phong Châu, vua Hùng Vương đóng đô ở đấy, đời Lê Quang Thuận đặt tên là Bạch Hạc. Trong dư Địa chí Nguyễn Trãi cũng nói rằng, nơi đây có cây chiên đàn (loại cây có hương thơm, quý hiếm - PV), chim hạc trắng đậu trên cây nên đặt là Bạch Hạc”, anh Việt dẫn giải.

“Bạch Hạc cũng là nơi có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt quân sự, địa điểm án ngữ về giao thông thủy, bộ giữa vùng đồng bằng và vùng trung du Bắc bộ. Nơi đây đã đi vào những trang sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc cùng các anh hùng trong lịch sử như: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Nữ tướng Quách A Nương và tướng quân Trần Nhật Duật...”, anh Việt cho hay.

Lấy nguồn nước thiêng

Tôi đến Bạch Hạc vào những ngày giáp Tết Nguyên đán. Theo người dân nơi đây, những tháng đầu năm và cuối năm, khách thập phương lại về đây xin nước thiêng để rửa bàn thờ, sang cát, tảo mộ... Những người không về trực tiếp lấy nước, có thể gọi điện có dịch vụ “ship” đi tất cả các vùng miền. Để thưởng thức cảnh sơn thủy hữu tình và tham gia đi lấy nước thiêng, tôi lên thuyền của ông Hồ Văn Thị (70 tuổi) ra ngã ba sông Bạch Hạc.

Đền Tam Giang thờ anh hùng Trần Nhật Duật, hướng mặt ra ngã ba Bạch Hạc

Vừa lên thuyền, ngồi yên vị, ông Thị nâng mái chèo cho thuyền rời bến. Ra đến luồng chính, ông khởi động chiếc động cơ Đông Phong cho thuyền rẽ sóng, luồn lách qua những chiếc xà lan chở cát khổng lồ. Lướt sóng được 30 phút, thuyền ra đến giữa ngã ba sông. Ông Thị giảm tốc độ cho thuyền lướt nhẹ trên sóng êm rồi dừng hẳn. Một ngã ba sông rộng bao la, mặt nước trắng trong, lăn tăn gợn sóng với làn gió nhè nhẹ gợi cho chúng tôi một cảm xúc đầy tự hào về non nước linh thiêng. Giữa sông nước mênh mông, ông Thị chỉ cần quai nhẹ mái chèo, con thuyền đứng yên mà không cần dây neo. “Dòng nước thiêng trong truyền thuyết, trong tâm linh ngay chính ở chỗ này”, ông Thị cho biết.

Chúng tôi hỏi ông Thị, tục lấy nước thiêng có từ bao giờ, ông cho biết, có nhiều chuyện bà con truyền miệng rất ly kỳ, nhưng không có kiểm chứng, ai tin thì tin. Chỉ biết, nay, vào những dịp lễ lạt, hay gia đình có việc tâm linh, nhiều người đến xin nước thiêng ở ngã ba Bạch Hạc, tạo cho ông và những người chèo thuyền ở đây một nghề có thu nhập khá. “Những tháng cuối năm và bước sang đầu năm mới, làm dịch vụ chở khách đi lấy nước, mỗi tháng, tôi cũng kiếm thêm được 4 đến 5 triệu đồng”, ông Thị nói.

Chỉ tay về phía cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng, ông Thị nói: “Sông Hồng và sông Đà hợp lưu phía trên cầu Văn Lang (chỗ gần cầu Trung Hà như đã nói ở trên - PV). Nhưng ở đây, chúng ta vẫn còn cảm nhận được dòng nước trong xanh chảy trên nền núi đá của sông Đà chỉ mới vừa pha trộn với dòng nước mang nặng phù sa của sông Hồng. Nhưng, người ta nói rằng, ở đây - nơi dòng sông Đà, sông Hồng đón thêm dòng Lô mới chính là nơi giang sơn hội tụ, nên nước ngã ba sông mới thiêng đến thế”.

Ông Hồ Văn Thị lấy nước “ship” cho khách

Ông Thị vừa chắp tay vái lạy trời đất để xin nước thiêng để “ship” cho khách thì xuất hiện một thuyền khác tiến ra lấy nước. Bà Nguyễn Thị Sâm từ TP. Hà Nội lên xin nước thiêng về để chuẩn bị lễ tân gia. Sau khi khấn, bà thả tiền vàng và gạo xuống sông rồi mới lấy một chiếc can nhựa mang theo xin nước. “Vào tiết thanh minh, những dịp bốc mộ, sang cát, chúng tôi lại lên xin nước. Khởi công, động thổ xây nhà, công lớn việc bé gì chúng tôi cũng cố gắng lên đây xin cho được nước ngã ba sông về cúng lễ”, bà Sâm kể.

Cùng lênh đênh ở ngã ba sông Bạch Hạc, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì nói, ngã ba Bạch Hạc lúc nào cũng sầm uất, ấy vậy mới có câu “nhất kinh kỳ, nhì Bạch Hạc” (bên cạnh câu Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến) để nói về sự sầm uất, thịnh vượng của nơi này. Người dân Bạch Hạc chúng tôi bao đời đều có cuộc sống sung túc, đời sống nhân dân ngày càng phát triển.