Số phận một “con đường”

TP - Con đường gốm sứ ven sông Hồng, một công trình văn hóa của Thủ đô, có số phận thật long đong. Ngay từ khi mới chỉ là ý tưởng, nó đã gây tranh cãi.

Có người cảnh báo con đường gốm sứ sẽ trở thành “rác văn hóa”, có người sau khi nhìn thấy hình hài tác phẩm này thì cho là trông không khác gì những bức tranh ở vườn trẻ. Cũng có những ý kiến lo ngại về cái gọi là sự biến tướng quảng cáo của một số doanh nghiệp… Và nay, có lẽ sẽ có ai đó từng dự đoán về một đống rác văn hóa giữa thủ đô năm nào có lý do để đắc chí, khi nhiều đoạn của bức tranh khổng lồ được đưa vào sách kỷ lục bị bong tróc, bị lở loét và cũng có những đoạn bị biến thành nhà vệ sinh công cộng lộ thiên.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, cho dù có là bức vẽ vườn trẻ như ai đó so sánh đi chăng nữa, rõ ràng, những hình ảnh, những họa tiết của bức tranh hấp dẫn và văn hóa hơn nhiều một mảng tường bê tông với thỉnh thoảng có những dòng chữ nguệch ngoạc kiểu “chỗ này dành cho chó đái” hay “Lan ơi, anh yêu em nhất đời”… Cho dù còn có những khúc mắc, những vấn đề như chất liệu, kỹ thuật thi công… thì cũng nên xem đó là chuyện không phải quan trọng nhất.

 Trong việc này, các bên liên quan và nhất là ngành văn hóa thành phố Hà Nội cần nhanh chóng có biện pháp xử lý, không phải vì một vài bài báo cận cảnh vào một số đoạn nhếch nhác để rồi người dân lên tiếng, dư luận gây sức ép. Mà bởi vì một thủ đô mang danh là thành phố văn hóa thì những công trình có tính chất văn hóa cần được gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị.

Thêm nữa, Con đường gốm sứ ven sông Hồng là một trong những công trình văn hóa mang tính xã hội hóa đầu tiên của Thủ đô. Hà Nội cần thêm nhiều công trình với sự góp sức của các cá nhân và doanh nghiệp để Thủ đô ngày một đẹp thêm. Những gì diễn ra với Con đường gốm sứ sẽ là tiền lệ cho những công trình sau này, nếu những vấn đề của công trình văn hóa ấy được xử lý tốt.

Tại TPHCM, con đường hoa Nguyễn Huệ (năm nay tạm chuyển về đường Hàm Nghi) là một ví dụ rất sinh động về chuyện nguồn lực xã hội hóa được khơi thông và phát huy. Cũng từ nguồn lực xã hội hóa, tại nhiều công viên rất đẹp của TPHCM, những nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn 5 sao đã mọc lên, phục vụ người dân và du khách thập phương. Có được những kết quả đó là sự chủ động của chính quyền cùng những quyết sách hợp lý, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân và các doanh nghiệp. Và nói chung, cả xã hội đều được lợi. TPHCM làm được, sao Hà Nội cứ mãi vướng mắc?

Vậy nên, ý nghĩa câu chuyện Con đường gốm sứ không chỉ nằm ở tranh cãi về kỹ thuật thi công hay giá trị nghệ thuật của tác phẩm.