Sinh viên miền Bắc tranh tài quyền cước Vovinam 2017

TPO - Ngày 2/6, tại Hà Nội, Giải Vô địch Vovianam sinh viên toàn miền Bắc lần thứ hai năm 2017 khai mạc tranh tài, quy tụ 268 vận động viên đến từ 24 tường đại học, học viện và cao đẳng. Giải đấu tranh tài ở nội dung đối kháng và hội diễn, với tổng số 35 bộ huy chương.

 
Từ ngày 2-4/6, tại Hà Nội, Giải Vô địch Vovianam sinh viên toàn miền Bắc lần thứ hai năm 2017 quy tụ 268 vận động viên đến từ 24 tường đại học, học viện và cao đẳng thi đấu tại hai nội dung: Đối kháng và hội diễn. Giải đấu có tổng số 35 bộ huy chương, trong đó có 19 huy chương đối kháng và 16 huy chương hội diễn.

Từ năm 2014, cùng với việc mở rộng quy mô, các nội dung thi đấu và số bộ huy chương, giải đấu chính thức mang tên Giải vô địch Vovinam sinh viên toàn miền Bắc. Năm 2017, giải đấu được tổ chức tiếp tục tạo sân chơi cho các sinh viên đam mê bộ môn võ cổ truyền Vovinam, từ đó thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao, phát triển tài năng trẻ và giữ gin một trong những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc.

Năm nay, giải đấu có các vận động viên đến từ các đơn vị có phong trào luyện tập Vovinam mạnh như: ĐH FPT, Học viện Ngoại giao, CĐ Thực hành FPT Polytechnic, ĐHQG Hà Nội, ĐH Mỏ địa chất, Học viện An ninh Nhân dân, Đh Hàng Hải, ĐH Hùng Vương...

Tại nội dung đối kháng, các vận động viên chia theo 12 hạng cân dành cho nam và 7 hạng cân dành cho nữ. Nội dung hội diễn, các vận động viên thi đấu tại các hạng mục đơn luyện nữ, đơn luyện nam, đa luyện tay không và binh khí, tự vệ nữ, quyền tập thể nữ, quyền tập thể nam. 

Nội dung hội diễn là các bài quyền nổi tiếng của môn võ Vovinam như: Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp, Nhật nguyệt đại đao, Tứ tượng côn pháp, Long hổ quyền... nhằm phô diễn kỹ thuật cá nhân và sự phối hợp nhuần nhuyễn với đồng đội.

Vovinam – Việt Võ Đạo là môn võ cổ truyền của Việt Nam do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập năm 1936 và truyền bá công khai từ năm 1938. Vovinam dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Dựa trên nguyên lý “cương nhu phối triển”, môn sinh Vovinam tập luyện từ những đòn thế tay không, cùi chỏ, chân, gối cho đến các loại vũ khí như kiếm, đao, mã tấu, dao, côn, quạt... 

Ngoài ra, môn sinh được học cách đối phó với vũ khí bằng tay không, các lối phản đòn, khoá gỡ, các đòn vật. Vovinam hướng môn sinh đến sức khoẻ thể chất và tính hướng thiện trong tinh thần.

Giải đấu do Tổ chức giáo dục FPT đăng cai tổ chức.