> 'Nháo nhào' thị trường thuốc và thực phẩm chức năng
Tại hội thảo bàn về vai trò của TPCN và công tác quản lý do Bộ Y tế tổ chức hôm qua, các chuyên gia cho biết việc quản lý loại thực phẩm này vẫn còn là một thách thức.
Bùng nổ
TPCN đang tạo nên “làn sóng” trên thị trường Việt Nam khi những con số thống kê cho thấy đây là lĩnh vực phát triển hàng đầu cả về số lượng lẫn doanh thu.
PGS.TS Trần Đáng- Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cho biết trong năm 2000 chỉ có 60 sản phẩm TPCN do 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến hết năm 2010 có 3.700 sản phẩm TPCN trên thị trường do 1.626 cơ sở nhập khẩu và sản xuất.
“Đến nay đã có 1.781 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với hơn 10.000 sản phẩm có mặt trong nước”- ông Trần Đáng thống kê.
Cũng theo ông Đáng, nếu trong năm 2007 tỷ lệ TPCN nhập khẩu chiếm 65% thị trường, thì nay, 65% TPCN được sản xuất trong nước.
TS Trần Quang Trung- Cục trưởng Cục An thực phẩm cho biết người tiêu dùng từ chỗ làm ngơ, bây giờ đã quen dùng TPCN.
Có khoảng 50% số người lớn sử dụng TPCN, đặt biệt ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa được hỗ trợ thông tin đúng đắn về vai trò của loại thực phẩm này.
“Việc quản lý loại hình kinh doanh này vẫn đang còn bỏ ngỏ. Luật quy định chung chung, người bán lại ghi nhãn mập mờ, ghi nhái mặt hàng của nhau và quảng cáo không trung thực”- TS Trung thừa nhận, và lấy ví dụ: “Sâm của Hàn Quốc có hàng trăm loại. Nhiều mẫu mã giống nhau khiến người tiêu dùng không biết đâu là thực đâu là giả”.
Từ bùng nổ sản xuất, kinh doanh, TPCN đang trở thành thị trường bát nháo. Báo cáo từ Cục An toàn thực phẩm cho thấy số vụ vi phạm quảng cáo TPCN không ngừng tăng lên. “Nhiều loại TPCN còn quảng cáo chữa được ung thư, bệnh HIV”- ông Trung nói.
Siết
Cho rằng còn nhiều bất cập về ghi nhãn, thiếu công bố hiệu quả của TPCN vì chưa có nghiên cứu cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các cơ quan chức năng phải đảm bảo sự phát triển TPCN đúng quỹ đạo.
Ông Long khẳng định, Bộ Y tế sẽ ban hành quy định về ghi nhãn, công bố tác dụng và phải có nghiên cứu lâm sàng trong năm nay, cũng như tăng cường công tác hậu kiểm đối với mặt hàng này.
“Quan trọng nhất là làm sao để việc quản lý đi đúng hướng, phục vụ lợi ích người dân, đưa mục tiêu sức khỏe người dân lên cao nhất”- ông Long nói.
Đồng tình quan điểm phải kiểm tra lâm sàng, các chuyên gia dược học cho rằng cần nghiên cứu lâm sàng nghiêm túc như TPCN sâm Alipas hay Angela đã nghiên cứu ở BV Việt- Đức, Phụ sản Trung ương để người bệnh tin tưởng vào TPCN khi dùng.
“Tuy nhiên, rất đáng tiếc chúng ta chưa làm được điều này khiến nhiều sản phẩm tù mù về chất lượng”- đại diện Cục An toàn thực phẩm nói.
PGS.TS Lê Văn Truyền- chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, thực tế lâu nay TPCN chỉ kiểm nghiệm ở phòng thí nghiệm, chưa thử nghiệm lâm sàng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng VN - nói, siết chất lượng TPCN là đáng làm bởi nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lợi dụng tâm lý người bệnh để tung hô TPCN như một thần dược, chữa bách bệnh, mập mờ quảng cáo, công dụng khiến người bệnh tiền mất tật mang.
Ngoài chất lượng, quảng cáo, các chuyên gia cũng yêu cầu siết chặt giá cả TPCN.
Sẽ kê toa thực phẩm chức năng?
GS.TS Lê Văn Truyền cho rằng việc cán bộ y tế tư vấn cho bệnh nhân dùng TPCN là nằm trong chuyên môn và chức năng của họ. TS Trần Đáng nói việc “cấm kê đơn TPCN” vô tình đã làm người dân không được hưởng trọn vẹn quyền lợi chăm sóc sức khỏe. Còn PGS-TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, cho rằng ngày 1-10 Hiệp hội TPCN Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế về việc kê đơn TPCN trong hỗ trợ điều trị bệnh.
Trả lời Tiền Phong hôm 27-10, ông Trần Quang Trung khẳng định, bác sĩ hướng dẫn cho người bệnh dùng TPCN là không sai. Còn vấn đề kê đơn, ông Trung nói, sẽ lấy thêm ý kiến.