'Sếp công ích' nhận lương khủng: UBND TPHCM cũng liên đới trách nhiệm?

TP - Đại diện Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị (TNĐT) và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM (CVCX) cam kết sẽ thu hồi số tiền chi sai, khôi phục quyền lợi và đền bù thiệt hại cho những người lao động bị thiệt thòi.

> Phải xử lý 'sếp công ích' nhận lương 'khủng'
> Làm 100 năm bằng 1 năm lương GĐ Cty thoát nước

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Ngày 28/8, Công ty TNĐT đã ra thông cáo báo chí về “những hành động khắc phục của công ty TNĐT thực hiện theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà” Thông cáo cho biết, lãnh đạo công ty đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong ban quản lý điều hành nhằm khắc phục ngay những hậu quả và sai phạm đã gây ra trong việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động, tiền lương.

Cuộc họp thống nhất: Công ty TNĐT sẽ tiến hành ngay các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi và đền bù thiệt hại cho người lao động theo đúng quy định của Luật lao động đối với trường hợp 163 người lao động thường xuyên ký hợp đồng thời vụ với thời hạn dưới ba tháng và 355 người lao động ký hợp đồng lao động dưới một năm. Công tác khắc phục sẽ tiến hành xong trước ngày 30/9.

Công ty TNĐT sẽ tiến hành và hoàn tất việc thu hồi toàn bộ số tiền lương, thưởng trong hai năm 2011, 2012 chi sai cho bảy viên chức quản lý trong tháng 9, yêu cầu các thành viên ban quản lý điều hành công ty kiểm điểm, xác định trách nhiệm và sai phạm, tự nhận hình thức kỷ luật và biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo kết luận của UBND TPHCM, trong năm 2012, lương giám đốc công ty TNĐT là 2,6 tỷ đồng/năm; chủ tịch hội đồng thành viên: 1,6 tỷ đồng; kế toán trưởng: 1,67 tỷ đồng, phó giám đốc: 969 triệu đồng.

Cùng ngày, trao đổi với báo chí, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty CVCX cho biết, đã nhận lỗi với tập thể người lao động, cam kết khắc phục hậu quả trong công tác quản lý sau thanh tra. Theo đó sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền gần 1,3 tỷ đổng trước đó đã chi vượt lương cho bảy thành viên trong ban điều hành. Bản thân ông Hà nộp 200 triệu đồng.

Đối với hành vi “lách” luật, ký liên tiếp hợp đồng thời vụ đối với 347 người lao động theo kết luận của Thanh tra Sở Lao động thương binh và xã hội, ông Hà cho biết, việc ký hợp đồng thời vụ, thời hạn 2,5 tháng là theo yêu cầu công việc cụ thể của các đơn vị trực thuộc khi được khoán quỹ lương. Giám đốc công ty thiếu kiểm tra nhắc nhở các đơn vị nên chưa thực hiện đúng quy định của Luật Lao động.

“Đối với số lao động thời vụ, tôi đã chỉ đạo giải quyết lại đúng luật từ tháng 11/2012. Đến thời điểm thanh tra còn 131 trường hợp, tôi sẽ sớm xem xét ký hợp đồng khi đủ tiêu chuẩn theo quy định” - ông Hà khẳng định.

Khó thu hồi tiền chi sai

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, Công ty CVCX phải khôi phục quyền lợi của người lao động bị công ty tước đoạt bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác, đền bù thiệt hại do áp dụng các chế độ bất bình đẳng giữa những người lao động trong đơn vị. Lãnh đạo các đơn vị phải kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất hình thức kỷ luật trình UBND TPHCM

Giải trình với UBND TPHCM, công ty CVCX “khẩn thiết” đề nghị xem xét lại và chấp thuận cho thực hiện mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng khi xây dựng đơn giá tiền lương năm 2012.

Lý do được đưa ra là nếu thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM về việc áp dụng mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng thì công ty gặp nhiều khó khăn, các chỉ tiêu về kế hoạch tài chính bị ảnh hưởng, như doanh thu giảm gần 73 tỷ đồng (giảm 19% kế hoạch), lợi nhuận không đạt kế hoạch thành phố giao. Ngoài ra, toàn bộ 15 hợp đồng đặt hàng giao nhận thầu đã ký kết và thanh toán với chủ đầu tư (Khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4) nhưng hồ sơ thủ tục buộc phải thực hiện lại từ đầu. Các chủ đầu tư phải điều chỉnh lại toàn bộ hợp đồng đặt hàng, giao nhận thầu và thực hiện quyết toán lại cả năm 2012.

Quan trọng hơn, người lao động trong toàn công ty phải hoàn trả lại phần tiền lương chênh lệch đã lĩnh (dự kiến hơn 49 tỷ đồng), ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống của gần 1.500 người lao động mà đa số là lao động nghèo, khó khăn.

Ngoài ra, các khoản tiền lương thực lĩnh trong năm 2012, người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân với ngân sách.

UBND TPHCM chậm trễ phê duyệt

Khi được hỏi “vì sao không làm đúng ngay từ đầu?”, ông Hà cho biết khi công ty chuyển thành Cty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chưa kịp xây dựng phương án trả lương cho các viên chức quản lý, vẫn tính lương theo phương pháp cũ (quỹ lương chia hệ số cộng với phụ cấp trách nhiệm) thì đã được UBND TPHCM phê duyệt vào ngày 12/12/2012.

Theo giải trình của lãnh đạo Công ty CVCX, các chủ đầu tư thương thảo và ký hợp đồng đặt hàng, giao nhận thầu công tác duy tu bảo quản công viên cây xanh với giá trị đặt hàng, giao nhận thầu được tính theo mức lương tối thiểu vùng 2 triệu đồng/tháng. Các hợp đồng được nghiệm thu, thanh toán hàng tháng nên Công ty CVCX trả lương theo mức chi phí nhân công đã ký hợp đồng.

Đáng chú ý, Công ty CVCX đã xây dựng Qũy tiền lương kế hoạch năm 2012 trình Sở LĐTB&XH từ ngày 9/10/2012 nhưng mãi đến 10 tháng sau, sở này mới có văn bản hướng dẫn.

Tương tự, trong tháng 1 Sở GTVT (cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành) cũng đã có văn bản xin ý kiến về việc áp dụng mức lương tối thiểu để tính đơn giá tiền lương theo sản phẩm đối với hoạt động cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích năm 2012. Tuy nhiên, hơn bảy tháng sau, UBND TPHCM mới có công văn chỉ đạo thực hiện.

Vì vậy, đến tháng 3/2013, công ty CVCX phải căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện quyết toán năm 2012, chi trả lương cho người lao động và thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2012 cho cán bộ nhân viên.

Theo Báo giấy