Sẽ tặng ấn Hoàng thành Thăng Long?

TP - Du khách đến Hoàng thành Thăng Long sắp tới có thể được tặng lá ấn từ chiếc ấn quý Sắc mệnh chi bảo-do các nhà khảo cổ học tìm thấy sau 700 năm lưu lạc.
Chiếc ấn “Sắc mệnh chi bảo” bằng gỗ, cổ nhất hiện nay được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.

Chưa được biết nhiều như lễ khai ấn đền Trần, chiếc ấn Sắc mệnh chi bảo bằng gỗ do các nhà khảo cổ học phát hiện năm 2002 tại khu vực Vườn Hồng, Hoàng thành Thăng Long thuộc loại quý. Ngoài lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, tiên hiền sáng 16/2 tại Hoàng thành, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức lễ khai ấn nho nhỏ. Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền của Trung tâm cho biết thời gian tới có thể lấy ý kiến các nhà nghiên cứu về lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long.

“Ấn Sắc mệnh chi bảo là ấn của vua, đời vua nào cũng có. Ấn này có nghĩa vua ban mệnh, ban chức tước, công việc cho người giúp vua giúp nước. Sắc mệnh chi bảo bằng gỗ này tính đến thời điểm này là ấn sớm nhất và cổ nhất trong lịch sử ấn chương, ấn tín của Việt Nam”, PGS.TS Tống Trung Tín nói. Một số nhà nghiên cứu xác định ấn thuộc đời vua Trần Thái Tông. PGS. Tín thận trọng hơn, chỉ nói rằng nó được tìm thấy trong lớp văn hóa thời Trần khi khai quật khu vực điện Kính Thiên năm 2012.

GS Hoàng Văn Khoán, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội so sánh chữ nghĩa các thời kỳ, nhất là chữ viết trên đồng tiền đưa ra kết luận: Chữ trên ấn này gần gũi chữ ghi trên tiền thời Trần. Về mặt thư pháp cũng như tầng văn hoá phát lộ khiến các nhà nghiên cứu xác nhận ấn thuộc thời Trần. Chiếc ấn này có niên đại 700  năm, chiếc ấn duy nhất được làm bằng gỗ trong các đời vua được nhắc tới trong Đại Việt sử ký toàn thư: Năm 1257 khi vua thống lĩnh quân chống giặc, ấn báu được giấu tại điện Đại Minh quan giữ ấn chỉ đem theo ấn nội mật và chiếc ấn này bị mất. Giấy tờ trong quân không thể thiếu ấn, vua sai thợ khắc gỗ làm ấn.

Có nên thêm một lễ khai ấn nữa tại Hoàng thành? “Theo tôi rất nên làm với chiếc ấn cổ này. Tuy nhiên làm thế nào, có nên gọi là lễ khai ấn hay không thì các nhà nghiên cứu sẽ phải bàn. Ai cũng muốn đến thắp nén nhang tưởng nhớ liệt đế liệt hậu, chư thần và đem về lá ấn để xây dựng niềm tin lạc quan, hướng thiện thì nên quá đi chứ. Tôi nghĩ rằng làm thế nào phải để việc này diễn ra một cách tự nhiên”, PGS.TS Tống Trung Tín nói.

Câu chuyện phát ấn đền Trần thời gian qua luôn là điểm nóng phức tạp, từ chiếc ấn tưởng nhớ công ơn tiền nhân, cầu may biến tướng ý nghĩa thành thăng quan tiến chức. Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội cũng nói, năm nay việc khai ấn chỉ tiến hành nội bộ, tránh phát sinh phức tạp và chờ ý kiến dư luận. Tuy vậy Trung tâm cũng nghĩ tới việc tặng lá ấn cho du khách như lộc may đầu năm. Nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ phương án này với quan điểm “để việc này diễn ra tự nhiên với người dân, nhẹ nhàng như đi lễ chùa và được thụ lộc vậy thôi”. 

Sáng 16/2, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu đoàn đại biểu và lãnh đạo nhiều ban ngành dâng hương tại sân điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long. Lễ dâng hương có sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, người dân làng Triều Khúc, Yên Hòa, Sở Thượng, Vân Canh trình diễn múa rồng, trống hội, thực hiện các nghi lễ tế và dâng hương.