> Chủ tịch Nước có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ
> Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dự thảo này phải hoàn thành sớm 2-3 tháng trước khi kỳ họp thứ 5 diễn ra (5-2013). Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt được QH, HĐND bầu, phê chuẩn đã được QH thông qua, theo đó việc thực hiện nghị quyết bắt đầu từ kỳ họp QH thứ 5 tới.
Tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối; cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thu, chi tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia từ Xí nghiệp liên doanh Vietso Petro và các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí theo tờ trình số 340/TTr-CP của Chính phủ ngày 21-11-2012.
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp tới, QH dành nửa ngày để lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao lần đầu.
QH sẽ lấy phiếu đối với Chủ tịch QH, các phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các UB của QH; Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Sẽ có 49 lãnh đạo cao nhất được lấy phiếu tín nhiệm lần đầu vào kỳ họp tới.
Theo Nghị quyết, UBTVQH sẽ gửi báo cáo của người được lấy phiếu và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan người được lấy phiếu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến ĐBQH chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp QH. Hình thức lấy phiếu là bỏ phiếu kín, với các mức tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Kết quả lấy phiếu được công bố công khai. Dự kiến, kỳ họp thứ 5 khai mạc vào ngày 20-5-2013. Dự kiến, QH xem xét thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến lần 2 dự thảo sửa đổi Hiến pháp và 8 dự án luật khác.
Chưa kiểm chứng việc “mớm” câu hỏi chất vấn
Phát biểu về kỳ họp QH vừa qua, một số ý kiến cho rằng, nhiều ĐB và cử tri chưa thỏa mãn với nội dung chất vấn. Nhiều ý kiến chất vấn dài, người trả lời chưa tập trung vào vấn đề chất vấn. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, có ý kiến phản ánh về tình trạng “mớm” câu hỏi đối với người trả lời.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, đây chỉ là phản ánh dư luận “chưa có kiểm chứng”. Theo vị Phó chủ tịch QH, trả lời chất vấn còn nặng về kể thành tích, né tránh vấn đề, khiến ĐB nghe xong không thỏa mãn.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng để tránh phát biểu còn dài, nên cải tiến thảo luận, cần đi sâu vào các giải pháp để đạt hiệu quả cao hơn.
Bà Ngân đề xuất, chủ tọa có thể dùng búa quyền lực điều hành phiên họp như các nước – để mỗi khi gõ búa là im phăng phắc, khỏi phải nhắc nhở. “Chủ tịch QH đi đâu cũng được QH các nước tặng cho búa. Chúng ta không nên ngần ngại dùng búa, để trả lại không gian cho hội trường”, bà Ngân nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, QH phải phát huy được tinh thần đoàn kết, dân chủ và hợp tác, cũng như phát huy thật tốt trí tuệ ĐB. “Nên tăng truyền hình trực tiếp các buổi làm việc và thảo luận. Sinh hoạt của Quốc hội càng minh bạch, công khai càng tốt”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
ĐBQH vắng nhiều vào đầu kỳ họp
Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, trong tuần đầu kỳ họp, số ĐB nghỉ nhiều, vắng tới 270 lượt, tuần thứ hai vắng 240 lượt, tuần thứ ba vắng 209 lượt.
Có buổi vắng 35 vị ĐB. Ban công tác đại biểu đã có văn bản gửi các Trưởng đoàn, yêu cầu đôn đốc ĐB đi họp, không đi công tác nước ngoài trong khi kỳ họp đang diễn ra. Sau đó, về cuối kỳ, ĐB đi họp đầy đủ hơn.