Tại cuộc họp báo của Ban Nội chính Trung ương để thông tin về nội dung phiên họp Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 22/11), một số cơ quan báo chí đã nêu câu hỏi về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Theo đó, báo chí đặt vấn đề là thời gian gần đây một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, cách tất cả các chức vụ trong Đảng do vi phạm trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Vậy tới đây có giải pháp gì để nâng cao tính hiệu quả trong việc kê khai tài sản, thu nhập, nhất là biện pháp truy nguồn gốc và xử lý tài sản không được kê khai?
Báo chí cũng đặt vấn đề về việc từng có đề xuất đưa cán bộ ngân hàng vào diện kiểm soát kê khai tài sản và thu nhập. “Với những vụ việc đã xảy ra và đang xảy ra liệu tới đây có nên đưa vấn đề này vào các quy định”, báo chí đặt câu hỏi.
Trả lời, ông Đặng Văn Dũng, Phó Ban Nội chính Trung ương thừa nhận hiệu quả trong việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản chưa cao. Vì vậy Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản.
“Những vấn đề các đồng chí đặt ra hôm nay đã được đưa vào và cân nhắc trong đề án tổng kết Chỉ thị 33. Hiện Ban Nội chính Trung ương đang hoàn thiện, đưa ra nhiều phương án để trình Bộ Chính trị quyết định - kể cả vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc hay còn gọi là tài sản bất minh, khi thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng Quốc hội đã thảo luận nhiều nhưng chưa quyết định được phương án nào”, ông Dũng nói.
Theo Phó Ban Nội chính Trung ương, sau Bộ Chính trị xem xét và có quyết định thì sẽ ban hành Chỉ thị mới thay thế cho Chỉ thị 33, với nhiều giải pháp để kiểm soát tài sản thu nhập được tốt nhất.
“Kiểm soát tài sản thu nhập là yếu tố quan trọng để đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả. Phải kiểm soát được dòng tiền, kiểm soát được tài sản thu nhập thì mới minh bạch được tài sản, thu nhập. Còn bây giờ nói thật với các đồng chí là công tác kiểm soát tài sản thu nhập của chúng ta chưa hiệu quả”, ông Dũng nói.
Liên quan đến thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ: Trong năm 2022 xác minh 13.093 người; qua đó phát hiện có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.