Sầu riêng mang đến 'vui chung'

TP - Đã 3 năm liền, nông dân thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk tỉnh Đắk Lắk được mùa, được giá sầu riêng. Từ hè sang thu 2014, thương lái các nơi đổ về tận vườn đóng hàng, biến thị trấn xanh lá yên bình thành chợ trái cây nhộn nhịp chưa từng có.

Thương lái mua sầu riêng (ảnh lớn) Sầu riêng mang lại hiệu quả cao cho người dân Tây Nguyên

Mô hình nhiều tranh cãi

Hơn 10 năm trước, ông Trần Minh Thụy, Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Phước An đã lặn lội khắp nơi tìm loại cây trồng xen canh thích hợp cho hàng nghìn hécta cà phê đang dần già cỗi, thoái hóa. Cân nhắc kỹ, ông kết luận sầu riêng giá trị cao hơn cả. Dù các tỉnh miền Tây trồng sầu riêng rất nhiều, nhưng do đặc điểm thời tiết, sầu riêng Đắk Lắk ở các đồn điền cà phê cũ luôn chín lệch vụ, không sợ ứ hàng.

Tháng 7/2004, ông Thụy xuống Đồng Nai hợp đồng, mời chuyên gia kỹ thuật của Cty giống cây trồng Đô Na lên tận nơi khảo sát, tư vấn kỹ thuật, chọn 2 giống sầu riêng cơm vàng, hạt lép Dona và 6 Ry để trồng xen. Trên hàng, cứ 3 cây cà phê lại chặt bỏ 1 để đào hố trồng sầu riêng. Nhiều người thấy cà phê còn lợi mà chặt bỏ, để thay bằng loại cây chưa rõ hiệu quả thế nào thì la ó, phản đối dữ dội! Có cán bộ nghi ngờ: Ông Thụy muốn đổi Cty Cà phê thành Cty Sầu riêng sao? Tuy nhiên lãnh đạo Công ty Phước An quyết tâm trồng xen sầu riêng vào cả 1.000 ha cà phê cỗi, với công thức ăn chia: Cty đầu tư 100% giống và kỹ thuật, công nhân chăm sóc. Khi sầu riêng có trái, công nhân hưởng sầu riêng, Cty hưởng cà phê.

Vài năm sau, sầu riêng xen ra trái bói, cũng là lúc Phước An được tỉnh cho phép bán thí điểm trên 400 ha vườn cây cho công nhân. Tới nay, trong hơn 500 ha còn lại, mỗi năm Cty thu được khoảng 5 tạ cà phê nhân - tương đương 15 triệu đồng/ha. Còn công nhân hái sầu riêng, lãi gấp… hai, ba chục lần!

Thu 450 triệu đồng/ha

Ông Nguyễn Phụng Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Dong kể: Thời gian đầu bà con không mặn mà lắm với mô hình thí điểm. Giá cà phê biến động thất thường, thiếu vốn thâm canh nên trong hơn 5 năm chờ sầu riêng ra trái, một số hộ sốt ruột đã chặt bỏ. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, khi sầu riêng trưởng thành tỏa bóng, chi chít quả to đến trĩu cành, dân thấy rõ lợi lớn mới lao vào đầu tư.

Theo ông Trần Quốc Tiến, Trưởng thôn 19/5, muốn sầu riêng năng suất tốt thì kỹ thuật phải giỏi từ khâu dọn vườn, phun thuốc phòng trừ nấm, bệnh đến cắt tỉa cành, sử dụng thuốc tăng trưởng giúp tăng khả năng đậu trái đúng thời điểm, kết hợp phân bón vi lượng qua lá. Có hộ thuê hẳn kỹ sư tận miền Tây về chăm sóc. Sầu riêng ở đây chín muộn, từ giữa tháng 8 trở đi, quả lại to, trung bình 5-7 kg, cá biệt có trái khủng tới hơn 12 kg. Bán tại vườn, tùy phẩm cấp, thời điểm, mỗi ký sầu riêng dao động từ 17-23 nghìn đồng.

Năm nay thương lái Trung Quốc về tận nơi gom hàng, đóng gói bao bì mang nhãn hiệu Trung Quốc chở đi. “Hiện tượng này đáng mừng hay đáng lo còn là điều phải tiếp tục theo dõi. Trước mắt, Phòng Nông nghiệp huyện chỉ khuyến khích bà con phát triển trồng mới ở những diện tích phù hợp, không trồng đại trà có thể dẫn đến khủng hoảng thừa như thanh long, dưa hấu từng phải đổ cho bò ăn ở nhiều địa phương khác”.

Ông Toản chia sẻ

Những hécta cà phê trồng xen canh sầu riêng sai quả được thương lái hợp đồng, tiền tươi thóc thật 450 triệu đồng/ha. Chưa năm nào như năm 2014, thương lái các tỉnh và thương lái Trung Quốc đưa xe container tới tận nơi đóng hàng, chở đi, biến thị trấn nhỏ bé yên bình thành một vựa trái cây sầm uất chưa từng có. Hàng loạt hộ nông dân thôn 19/5 xã Ea Dong đổi đời nhờ sầu riêng. Riêng hộ ông Nghĩa, 1 ha có 121 cây sầu riêng trồng xen, mà cây nào cũng cho cỡ 2 tạ trái, hái được 27 tấn, thu về hơn 500 triệu đồng. Tương tự, tại xã Ea Kênh, ông Lê Xuân Hòa một gia đình có thu nhập từ sầu riêng hơn 800 triệu đồng/năm, tiết lộ: Ở đây mỗi hécta sầu riêng trồng xen cho hơn 26 tấn quả. Nhiều hộ ở thôn Tân Bắc tích lũy được tiền tỷ nhờ mô hình xen canh này.

Ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Krông Pắk cho biết, mô hình sầu riêng xen canh cà phê ở đây là điểm sáng cần nhân rộng. Sầu riêng đã trở thành niềm vui chung của bà con nông dân thị trấn Phước An, nhất là ở 2 xã Ea Dong và Ea Kênh. Tuy nhiên sầu riêng vẫn là cây khó tính, đòi hỏi nông dân vừa cần cù, chịu khó, vừa biết khoa học kỹ thuật. “Điều chúng tôi trăn trở là tìm đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm”, ông Toản nói. Mấy năm trước, thu mua sầu riêng tại đây chỉ có thương lái miền Tây.