Sau các vụ nổ

TP - Một vụ nổ “như bom” xảy ra ngay tại thủ đô Hà Nội đã cướp đi sinh mạng của ít nhất bốn người.

Mặc dù công an nói có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ việc có liên quan đến các vật liệu nổ, nhiều tờ báo cũng nói tìm thấy một số chất liệu thường được dùng để chế tạo bom,  vấn đề của vụ việc không chỉ nằm ở chỗ “nổ cái gì”. Và mặc dù người gây ra vụ nổ được cho là một trong bốn nạn nhân đã thiệt mạng, câu chuyện chính của vụ việc nằm ở sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng.

Năm 2013, tại một khu dân cư ở quận 3, TPHCM xảy ra một vụ nổ kinh hoàng khiến 11 người thiệt mạng mà nguyên nhân được nói là do một trong các nạn nhân chứa vật liệu nổ chuyên dùng tạo khói lửa ở các phim trường. Nhưng so với vụ nổ vừa xảy ra ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), sự việc năm 2013 tại TPHCM có phần lỗi lớn của nạn nhân khi cất trữ vật liệu nổ trong nhà. Còn với vụ việc vừa xảy ra, hoạt động hàn xì, cưa cắt kim loại đầy nguy hiểm diễn ra công khai từ năm 2013, khi một nạn nhân thuê nhà làm nơi buôn bán phế liệu và vỉa hè thường xuyên được trưng dụng làm nơi cưa, cắt.

Nguy cơ cháy, nổ đâu chỉ có ở khu đô thị Văn Phú. Tại Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành vẫn tồn tại những cơ sở hàn xì,cơ sở buôn bán sắt thép phế liệu ẩn chứa đầy nguy cơ cháy nổ nhưng vẫn tồn tại, vẫn hoạt động trong khu vực dân cư. Đâu chỉ có cưa bom, cưa mìn mới gây nổ: đã có rất nhiều vụ nổ từ bình hàn xì, bình oxy hàn gió đá. Đó là chưa kể số bom mìn còn sót lại sau các cuộc chiến tranh.

Mới đây nhất, hôm 15/3, người dân thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị được một phen hãi hùng khi chứng kiến cảnh hơn 1.000 quả đạn pháo vẫn còn nguyên ngòi nổ, được vứt chỏng chơ ven đường. Trong vụ việc này, chỉ vì người mua từ chối vì nhận thức được độ nguy hiểm nên các đại lý thu gom phế liệu buộc phải vứt bỏ một cách lén lút. Hãy tưởng tượng số đạn pháo rơi vào tay những người ít hiểu biết, vô tư “tự xử”thì sẽ nguy hiểm đến đâu.

Sau mỗi sự cố, lại có cơ quan này cơ quan kia phải chịu xử lý vì tắc trách, nhưng sự mất an toàn trong các khu dân cư liên quan đến cháy nổ vẫn xảy ra liên tục. Sau vụ nổ “Phương khói lửa” lấy đi sinh mệnh 11 người tại TPHCM  ngày 24/2/2013, người ta cũng nói đến trách nhiệm quản lý. Nhưng sau đó, ngày 17/10/2014, tại quận 12, TPHCM  lại xảy ra một vụ nổ khiến 3 người chết, gần 100 nhà dân bị hư hại, lần này là nổ hóa chất trong xưởng sản xuất phân bón, cũng nằm trong một khu dân cư và đã tồn tại một thời gian dài trước mặt cơ quan chức năng. Công an phường, công an quận, UBND phường và quận đã phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm bằng hình thức phê bình, rút kinh nghiệm, hạ bậc thi đua…

Và các vụ nổ vẫn liên tiếp xảy ra. Lần này là giữa thủ đô. Trộm nghĩ, may mà nổ ở khu vắng người ở, nếu không…