Sau 2 tuần kiểm tra giá: Chỉ loay hoay với cước vận tải

TP - Theo kết quả kiểm tra giá Bộ Tài chính công bố chiều 25/11, các đoàn kiểm tra đã làm việc ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, nhưng cũng chỉ mới có kết quả kiểm tra giá cước vận tải. 

Giá cước vận tải liệu có giảm mạnh sau khi giá xăng liên tục giảm? Ảnh: Ngọc Châu

Cụ thể, tại Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2-10%; kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4-3,9%. Tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9% (tùy cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá 2-11,33%. Ở Đà Nẵng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi kê khai giảm giá từ 3-32%, các tuyến vận tải cố định Đà Nẵng tới các tỉnh cũng sẽ tính toán kê khai giảm (giá cước xe tuyến Đà Nẵng-Huế chắc chắn sẽ giảm khoảng 8,3%), các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2-6,7% so với giá liền kề. 

  

Thực tế thị trường trong nước hai tuần qua, vận tải là ngành chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu nhưng gần như biến động rất chậm và gần như không có sự điều tiết nào của các cơ quan chức năng. 

Tối 25/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, đó là kết quả kiểm tra sơ bộ tại ba thành phố lớn; các đoàn kiểm tra đang tiếp tục làm việc tại một số địa bàn khác. Liên quan đến việc chưa có kết quả kiểm tra giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Thứ trưởng Hiếu cho biết cả ba đoàn kiểm tra liên ngành đang tập trung kiểm tra giá cước vận tải. Còn về giá sữa, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, các yếu tố đầu vào của các hãng kinh doanh sữa vẫn chưa giảm. “Trên các tờ khai hải quan, các doanh nghiệp kinh doanh sữa nhập khẩu vẫn kê khai giá đầu vào không giảm”, ông Hiếu nói.

Người tiêu dùng có quyền tẩy chay nếu không giảm giá

Theo một lãnh đạo hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội, với mức giảm giá xăng dầu như vừa qua, cơ cấu mặt hàng giảm khoảng 5%. Tuy nhiên, hiện chưa có nhà cung cấp nào giảm giá cho các đơn hàng vào siêu thị. “Chúng tôi ký hợp đồng mở với nhà cung cấp với các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Vì vậy, khi có biến động về giá, nhà cung cấp có thể giảm giá ngay để hệ thống siêu thị giảm trong vòng một ngày còn tăng giá từ 15 - 30 ngày có thể điều chỉnh. Đến thời điểm này vẫn chưa rõ vì sao các đơn vị cung cấp vẫn chưa chịu giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu”, vị này nói. Cùng quan điểm, ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Nội) khẳng định: “Muốn giảm giá lương thực, thực phẩm thì nguồn cung hàng phải giảm. Chúng ta nên hỏi nhà cung cấp vì sao không giảm thay vì
cứ loanh quanh câu chuyện xăng dầu”.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, cơ quan chức năng phải vào cuộc, kiểm tra tại các siêu thị lớn tại nhiều địa phương. Trong trường hợp doanh nghiệp không giảm giá hoặc giảm giá không tương xứng, người tiêu dùng có thể tẩy chay siêu thị đó.
 

Giá dầu thô xuống 60 USD/thùng?

Chuyên gia phân tích Quỹ Đầu tư hàng hóa Mỹ (CIF) Daniel Bathe dự báo nếu OPEC không cắt giảm ít nhất 1 triệu thùng/ngày trong cuộc họp sắp tới, giá dầu thô sẽ giảm còn 60 USD/thùng. Còn Doug King, Giám đốc Đầu tư RCMA Capital (Mỹ) cho rằng, dù OPEC có đạt được thỏa thuận cắt giảm 1 triệu thùng/ngày, giá dầu thô cũng chỉ còn 70 USD/thùng trong ít ngày tới. Hôm qua, giá dầu thô giao dịch trên thị trường châu Á còn 75,80 USD/thùng.